00:00 Số lượt truy cập: 2677298

Chăn nuôi bò hàng hoá mở hướng thoát nghèo cho huyện miền núi Kỳ Sơn 

Được đăng : 03/11/2016
Để từng bước khắc phục và chống đói nghèo có hiệu quả vững chắc, huyện miền núi rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An) đã xây dựng chương trình phát triển chăn nuôi bò hàng hoá giai đoạn 2006 - 2010 với qui mô tăng trưởng đàn bò hàng năm từ 11 đến 13%.

Chương trình phấn đấu đến năm 2010 có tổng đàn bò 35.000 con, hàng năm cải tạo giống bò từ 1.000 đến 1.500 con, riêng bò hàng hoá hơn 7.000 con, đưa giá trị thu nhập từ chăn nuôi bò hàng năm đạt 105 tỷ đồng, trung bình đạt giá trị nuôi bò hàng hoá từ 8 đến 12 triệu đồng/hộ/năm.

Để đạt được mục tiêu trên, Kỳ Sơn đưa ra các giải pháp như qui hoạch vùng chăn nuôi tập trung theo hình thức trang trại và nhóm, hộ gia đình. Đối với vùng chăn nuôi tập trung, huyện quy hoạch tại 2 khu vực: Nhọt Phá, xã Mường Lống và trại dược Mường Lống với quy mô từ 8 đến 10 ha đồng cỏ để nuôi 600 con bò/5 trang trại và khu vực đèo Kít Lịn, xã Mường Típ, Mường Ải, Na Ngoi, Tây Sơn khoảng 25 ha đồng cỏ tập trung để chăn nuôi 1.500 con/15 trang trại của một số bản, xã Mường Ải, Tây Sơn và trại bò Bộ đội Biên phòng (tiểu khu 50), tổng đội Thanh niên xung phong xây dựng kinh tế 10 Kỳ Sơn... Đối với chăn nuôi theo nhóm hộ, hộ gia đình, trên cơ sở quỹ đất đã được giao khoán của các hộ, đất chưa sử dụng, đất lâm nghiệp các xã, bản quy hoạch vùng chăn nuôi theo 1.667 nhóm được chia đều cho 186 bản, mỗi nhóm 5 đến 6 hộ với số lượng từ 20 đến 25 con/nhóm. Về giống bò cái sinh sản, Kỳ Sơn tuyển chọn bò cái sinh sản địa phương với những con cân đối, khoẻ mạnh, có tầm vóc to lớn kết hợp nhập nội những con giống lai Sind, từng bước nâng cao tầm vóc bò thương phẩm, phấn đấu đàn bò cái sinh sản hàng năm có từ 15.000 đến 20.000 con. Đối với bò đực giống, lựa chọn giống bò H' Mông, to khoẻ đồng thời nhập nội những con giống lai Sind đời F1.

Để chăn nuôi phát triển bền vững, huyện có chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay mua trâu, bò giống 100% cho bà con với mức 3 triệu đồng/con, thời gian từ 18 đến 24 tháng và cung cấp giống cỏ cho các hộ trồng. Trạm thú y huyện xây dựng mạng lưới thú y từ huyện đến cơ sở, tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu, nhận thức đúng về công tác tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, vận động nhân dân thay đổi phương thức chăn nuôi bò thả rông sang chăn thả có chuồng trại (sáng cho đi ăn, chiều tối cho về chuồng), tổ chức kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật qua đường biên giới và kiểm dịch giết mổ gia súc trên địa bàn...

Hiện nay, huyện Kỳ Sơn có 24.528 con bò, mức độ tăng trưởng trung bình hàng năm 6%, trung bình 3 con/hộ, tỷ lệ số hộ có chăn nuôi bò 61%. Phần lớn đàn bò ở Kỳ Sơn có tầm vóc nhỏ, trọng lượng chỉ đạt 180 đến 200 kg. Riêng các xã vùng cao nuôi bò H' Mông, đây là giống bò quý thuộc dòng Boss indicus, có tầm vóc khá lớn, trọng lượng trung bình đối với bò đực 400 kg, bò cái 270 kg. Hiện tại, bà con Kỳ Sơn đang áp dụng chăn nuôi thả rông ngoài rừng, rẫy hoang hoá quanh năm (đây là phương thức nuôi thả truyền thống); thả rông kết hợp với chăn dắt trên bãi riêng của gia đình (phổ biến nhất) và phương thức nuôi nhốt trong chuồng, chủ yếu tập trung trong các hộ thuộc dân tộc H' Mông với mục đích là để vỗ béo...Do vậy, việc kiểm soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn rất khó khăn. Theo Trạm thú y huyện Kỳ Sơn, 3 năm gần đây trâu, bò ở Kỳ Sơn thường mắc 2 loại bệnh: lở mồm long móng, tụ huyết trùng..../.