Năm nay, do tác động của suy giảm kinh tế, suốt nhiều tháng liền nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi giảm mạnh. Giá gà, lợn ở mức thấp trong khi giá thức ăn gia súc, gia cầm giảm không đáng kể dẫn tới hàng loạt hộ chăn nuôi bị thua lỗ. Chỉ từ giữa tháng 10 tới nay, giá gà mới nhích lên. Gà ta lai 40 nghìn đồng/kg, loại gà ngon giống địa phương giá 50 nghìn đồng/kg, tăng 7-8 nghìn đồng/kg so với tháng 6-2009. Tương tự chăn nuôi gia cầm, tình hình chăn nuôi lợn năm nay cũng không sáng sủa hơn. Đầu tháng 5-2009, giá lợn hơi giảm mạnh, đang từ 26 nghìn đồng/kg giảm còn 23 nghìn đồng rồi xuống tới 17-18 nghìn/kg. Trong quý III, giá lợn hơi chỉ ở mức 20-21 nghìn đồng/kg khiến một số hộ phải bỏ trống chuồng trại. Từ đầu tháng 11 đến nay, giá lợn mới tăng dần và hiện nay đạt 25-26 nghìn đồng/kg. Nguyên nhân giá gà, lợn tăng là do thời điểm này nhu cầu tiêu thụ thực phẩm phục vụ các đám cưới, hỏi dịp cuối năm tăng. Kinh tế trong nước dần phục hồi, thị trường các thành phố lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, nơi tiêu thụ chủ yếu sản phẩm chăn nuôi của tỉnh ta trở nên sôi động hơn. Nhiều doanh nghiệp sau một thời gian đình trệ sản xuất nay đã thu hút lao động trở lại làm việc góp phần làm tăng nhu cầu thực phẩm. Tuy nhiên, dù có tín hiệu tốt đó song người chăn nuôi vẫn chưa yên tâm đầu tư sản xuất. Tìm hiểu tại gia đình bà Nguyễn Thị Trường, thôn Kép 1, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) được biết, như nhiều hộ khác trong thôn, thời gian qua gia đình bà chăn nuôi không có lãi. Dịp này, dù thấy giá gà tăng khá song gia đình không dám nuôi mới với số lượng lớn mà chỉ đầu tư nuôi khoảng 500 con. Theo bà Trường: "Giá gà vừa tăng, giá thức ăn chăn nuôi cũng đồng loạt tăng. Hiện giá ngô 5 nghìn đồng/kg, tăng hơn 1 nghìn đồng/kg, chỉ những gia đình nào mua ngô dự trữ từ vài tháng trước và bán gà vào thời điểm này mới có lãi chút ít. Còn với giá ngô như hiện nay, giá gà ta lai ở mức 40 nghìn đồng/kg thì người chăn nuôi vẫn lỗ nặng". Cũng lo ngại rủi ro bởi thị trường, anh Trần Văn Quân, thôn 3, xã Việt Lập (Tân Yên) cho biết: "Như những năm trước, thường vào dịp cuối năm giá lợn sẽ tăng và tiêu thụ dễ hơn. Tuy nhiên, năm nay tôi không biết thị trường sẽ diễn biến thế nào. Hiện giá thức ăn đang tăng cao, giá lợn đã tăng nhưng nhỏ giọt. Bởi vậy, tôi vẫn giữ nguyên quy mô nuôi 40 con/lứa mà không dám mở rộng". Theo nhận định của một số chủ đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, trong tháng 11 do giá đô la Mỹ tăng mạnh nên giá thức ăn chăn nuôi cũng đồng loạt tăng. Ví dụ như thức ăn hỗn hợp cho lợn từ 30 kg đến xuất chuồng của Nhà máy thức ăn chăn nuôi Pháp Việt vào tháng 6 có giá 6.250 đồng/kg thì nay tăng 200 đồng/kg, tương tự thức ăn hỗn hợp cho lợn từ 15-30kg cũng tăng mức đó. Mức tăng giá thức ăn chăn nuôi chưa có dấu hiệu dừng lại bởi nhiều hãng sản xuất, nhập khẩu đã thông báo với đại lý dự định tiếp tục tăng giá bán sản phẩm trong tháng 12. Không chỉ đối mặt với tình trạng giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, người chăn nuôi còn lo ngại gia cầm nhập lậu sẽ "phá giá" gà thả vườn. Đồng thời, trong những tháng mùa đông, dịch bệnh cũng gia tăng trên đàn gia súc, gia cầm…
Để hạn chế rủi ro trong chăn nuôi, cơ quan chức năng khuyến cáo dịp cuối năm, các hộ dân vẫn nên đầu tư vào chăn nuôi. Tuy nhiên, quy mô như thế nào là do tiềm lực về vốn, điều kiện chuồng trại của từng hộ, không nên nuôi với mật độ quá dày. Chú trọng các giải pháp tiết kiệm chi phí thức ăn chăn nuôi, nên nhập giống ở những cơ sở bảo đảm chất lượng. Thời điểm cuối năm dễ xảy ra dịch bệnh đối với đàn gia súc, gia cầm chú ý tiêm phòng, bảo đảm chống rét cho đàn vật nuôi. Cùng với đó, lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm soát thị trường chặn đứng tình trạng nhập lậu gia cầm và các sản phẩm chăn nuôi khác.