Lâu nay, nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm (GSGC) ở Bình Thuận vốn phát triển theo quy mô nhỏ lẻ, manh mún so nhiều tỉnh khác, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên GSGC luôn thường trực. Mạnh dạn đầu tư chăn nuôi theo mô hình gia công tập trung đang là xu hướng mới của nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.
Bình Thuận với đặc điểm phân bố vùng dân cư ở nhiều địa phương còn thưa, rất phù hợp cho việc phát triển chăn nuôi GSGC, đặc biệt là nuôi theo mô hình trang trại tập trung. Tuy nhiên, do tập quán lâu đời của người dân vẫn có thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ theo từng hộ gia đình trong khu dân cư, nên không đảm bảo vệ sinh môi trường và nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh trên vật nuôi. Thực tế, tình hình bùng phát dịch bệnh lở mồm long móng, heo tai xanh,… vừa qua trên địa bàn cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng, thì nơi xuất hiện dịch bệnh chủ yếu vẫn là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Riêng những trang trại chăn nuôi tập trung, có phương thức nuôi gia công cho Công ty TNHH Chăn nuôi C.P Việt Nam (Công ty C.P) theo mô hình khép kín, số lượng lớn lại rất ít xảy ra dịch. Điều này chứng tỏ, sự thay đổi cách chăn nuôi này sẽ có nhiều lợi thế cả về kinh tế lẫn bảo đảm vệ sinh môi trường.
![]() |
Chăm sóc heo thịt tại trang trại Hải Hà. |
Ông Châu Thanh Tuyền- Giám đốc Chi nhánh Công ty C.P tại Bình Thuận cho biết: “Công ty C.P đầu tư chăn nuôi tại Bình Thuận từ năm 2000 và chính thức mở chi nhánh ở đây năm 2009. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 9 trại nuôi heo thịt (với khoảng 3.500 con) và 12 trại gà (với 104.000 con) đang hợp tác với Công ty C.P chăn nuôi theo mô hình nuôi gia công khép kín. Trong số các trang trại này, chủ yếu tập trung ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân. Sở dĩ chúng tôi tập trung đầu tư ở các huyện phía Nam, vì mật độ dân cư khá thưa, nhiều đồi núi và dồi dào nguồn nước ngầm, đáp ứng nhu cầu chăn nuôi”. Ông Tuyền cho biết thêm: Nếu người dân có đủ điều kiện và nhu cầu chăn nuôi gia công, công ty sẽ đầu tư con giống, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Riêng chủ trại phải có mặt bằng, đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại, hầm biogas,… theo quy định.
Để tìm hiểu kỹ hơn về mô hình chăn nuôi gia súc tập trung khép kín, chúng tôi đến thôn 2 (xã Hàm Liêm, Hàm Thuận Bắc) thăm trang trại chăn nuôi heo thịt Hải Hà, do ông Nguyễn Thanh Hải làm chủ. Trại nuôi được bao kín xung quanh bởi tường rào, cổng sắt và nằm cách xa khu dân cư. Diện tích trang trại trên 2 ha, gồm 4 dãy chuồng song song, với quy mô 1.000 con heo thịt đang chuẩn bị xuất chuồng. Anh Hải cho biết: Tôi đầu tư chăn nuôi gia công cho Công ty C.P từ tháng 5/2010. Thời điểm này đang chuẩn bị cho xuất chuồng lứa thứ 2 (6 tháng/lứa). Nói về lợi nhuận của việc chăn nuôi heo thịt theo hướng tập trung hiện nay, anh Hải chia sẻ thêm: Ngoài việc phải đầu tư xây dựng cơ bản về chuồng trại, hệ thống xử lý nước thải,…, chủ trại không phải đầu tư con giống, thức ăn và được bao tiêu sản phẩm. Bình quân mỗi lứa xuất chuồng, chủ trại được hưởng khoảng 2.000 đồng/kg heo tăng trọng, bình quân khoảng 150 ngàn đồng/con. Ngoài ra, khoảng 2 đến 3 ngày, Công ty C.P sẽ cử bác sĩ thú y đến kiểm tra tình hình sức khỏe, bệnh tật của vật nuôi. Bên cạnh đó, mô hình chăn nuôi này còn có ưu điểm là hạn chế và phòng ngừa tối đa dịch bệnh trên GSGC, nhờ quy trình khép kín, hạn chế sự tiếp xúc giữa môi trường bên ngoài với chuồng trại bằng các quy định chặt chẽ, đồng thời có các biện pháp tiêu độc, khử trùng và kiểm tra thú y thường xuyên. Ngoài ra, góp phần tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương, với thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/tháng/người. Trước những lợi ích của việc đầu tư chăn nuôi theo mô hình tập trung như trên, ông Châu Ngọc Tấn - Trưởng Chi cục Thú y tỉnh khẳng định: Đây là mô hình chăn nuôi hay, đúng hướng. Qua đó, sẽ hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra các dịch bệnh trên GSGC mà các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún hiện nay thường mắc phải.