Gia đình ông Hải có 4 sào ruộng cộng với 7 sào đất bãi phân tán ven đồi, phấn đấu làm lụng mãi mà miếng cơm bát gạo không bị đứt bữa là may lắm rồi. Trăn trở trước nỗi vất vả của vợ con, ông Hải đã đi rất nhiều nơi, đến rất nhiều vùng để tìm hiểu cách làm ăn như các mô hình chăn nuôi lợn, cá ở Bắc Ninh, chăn nuôi gà thịt và vịt chuyên trứng ở Bắc Giang.v.v... Mãi đến năm 2007, ông Hải mới quyết định lựa chọn chăn nuôi thỏ là hướng thoát nghèo cho gia đình.
Để đáp ứng lượng thức ăn chăn nuôi đàn thỏ, ông Hải đã tận dụng và cải tạo toàn bộ diện tích đất bãi ven đồi để trồng cỏ voi – giống cỏ mà loài thỏ rất thích ăn, và như vậy trong suốt quá trình chăn nuôi thỏ, mọi người trong gia đình không mất công đi cắt cỏ mà luôn chủ động được lượng thức ăn, đáp ứng khẩu phần ăn hàng ngày cho đàn thỏ nuôi nhốt tập trung. Đầu năm 2009, được sự hỗ trợ của Trạm khuyến nông huyện Đình Lập, gia đình ông Hải đã đưa giống cỏ chất lượng cao VA 06 vào trồng nhằm thay thế dần giống cỏ voi và nâng cao chất lượng thức ăn nuôi thỏ. Cách nhân rộng vườn cỏ của ông Hải cũng khá linh hoạt. Cứ khai thác đến đâu, phần lá và ngọn để chăn nuôi, phần gốc dành lại để trồng nhân giống tiếp. Đến nay, ngoài hơn 2 sào cỏ voi đang khai thác chăn nuôi thỏ, bước đầu gia đình ông đã trồng được 4 sào cỏ VA06.
Khác với chăn nuôi lợn, gà, vịt..., thỏ là loài vật nuôi dễ tính và có khả năng sử dụng nhiều loại thức ăn thô xanh trong khẩu phần, chủ yếu ăn các loại rau củ và cỏ. Chăn nuôi thỏ không cần diện tích chăn thả và đồng cỏ. Chuồng trại nuôi thỏ có thể tận dụng các loại vật liệu như tre, nứa, gỗ... có sẵn ở địa phương. Thỏ sinh sản khoẻ nên phát triển gây đàn rất nhanh. Ông Hải cho biết: Thỏ mẹ có thể đẻ được 12 lứa/năm và mỗi lứa trung bình có từ 6 – 7 con. Nhưng để giữ sức sinh sản tốt cho đàn thỏ mẹ và khai thác lâu dài nên ông chỉ để cho chúng đẻ 6 lứa/năm. Thỏ lớn rất nhanh và ít bị nhiễm các loại dịch bệnh. Theo ông Hải, thỏ chỉ hay mắc bệnh ghẻ nên cần giữ vệ sinh chuồng trại thật tốt, mỗi ngày nên quét dọn vệ sinh chuồng nuôi và máng ăn, máng uống thì sẽ hạn chế bệnh tật phát sinh. Thời gian sinh trưởng của thỏ ngắn, sau 3 tháng nuôi thỏ đạt trọng lượng xuất chuồng từ 2,5 – 3 kg, khoảng 5,5 – 6 tháng thỏ bắt đầu sinh sản. Như vậy, một con thỏ mẹ nặng khoảng 4-5 kg trong một năm có thể sản xuất cho người chăn nuôi từ 90 – 140 kg thịt. Hiệu quả trong chăn nuôi cao hơn rất nhiều so với nhiều loại gia súc khác do thu hồi vốn nhanh, rất phù hợp với những hộ nông dân nghèo.
Từ 30 cặp thỏ ban đầu, sau đó lựa chọn ra được 25 con cái đủ tiêu chuẩn mà hiện nay vẫn duy trì, trong hơn 2 năm qua, gia đình ông Hải xuất bán được từ 400 – 500 con thỏ thịt/năm. Giá bán bình quân 100 - 120 nghìn đồng/con. Thỏ thịt nuôi ra đều bán hết ngay, thậm chí còn không đáp ứng theo kịp nhu cầu của khách hàng tại Quảng Ninh và Bắc Giang. Trừ một số chi phí trong chăn nuôi, mỗi năm gia đình ông Hải cũng đạt được mức thu nhập 40 triệu đồng. Với hiệu quả ban đầu đạt được, ông Hải dự tính sẽ mở rộng thêm quy mô chăn nuôi, phấn đấu xuất bán một nghìn con thỏ thịt/năm, đồng thời vận động bà con trong thôn chăn nuôi thỏ đến khi xuất bán ông sẽ lo giúp khâu tiêu thụ.
Trong mấy năm gần đây, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi với những diễn biến hết sức phức tạp đã gây ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi ở nước ta và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người nông dân. Trong các loại vật nuôi, thỏ là loài dễ thích ứng với điều kiện đầu tư chăn nuôi, đồng thời lại ít chịu rủi ro bởi dịch bệnh gây hại như hiện nay. Vì vậy, việc lựa chọn và chuyển đổi vật nuôi trong chăn nuôi là một trong những giải pháp tích cực nhằm nâng cao và bảo vệ thành quả trong sản xuất của bà con nông dân chúng ta. Từ hiệu quả chăn nuôi thỏ của gia đình ông Hoàng Văn Hải ở thôn Bình Chương xã Đình Lập, bà con nông dân quanh vùng có điều kiện tham khảo, tìm hiểu và lựa chọn hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi gia đình.