00:00 Số lượt truy cập: 3234049

Chinh phục con hàu miền cuối đất 

Được đăng : 03/11/2016

Trong tháng 3, nhiều người dân ở Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) thu hoạch đợt hàu thứ 3, sản lượng ước tính lên đến 150 tấn, cao gấp đôi ba lần so với những vụ thu hoạch trước đó. Anh Nguyễn Việt Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Đất Mũi phấn khởi kể: “Để nuôi được hàu lồng như kết quả hôm nay là cả một quá trình. Chúng tôi đã từng trả giá cho việc thử nghiệm nuôi hàu lồng”.


Khi con hàu “trái tính”!

Cuối năm 2005, xã Đất Mũi bước vào nghề nuôi hàu lồng. Những cái bè hàu lồng lạ lẫm được thả cập bờ con sông Rạch Tàu khiến cho người dân nô nức. Bởi rằng vùng đất mệnh danh là “cùng trời cuối đất” này vốn chỉ quen với cuộc sống “săn, bắt, hái, lượm” và dòng di cư đông đúc đã khiến cho sản vật vốn giàu có của nơi đây đang từng bước cạn kiệt, nguy cơ không còn gì để hái, lượm đang đe dọa đến cuộc sống mọi người.

“Việc nuôi hàu nếu thành công thì sẽ tạo được công ăn việc làm cho người dân, mở ra hướng mưu sinh mới, thoát khỏi phương thức sinh sống lạc hậu là hái, lượm. Còn như thất bại sẽ vô cùng nguy khốn, vì khi người dân mất lòng tin thì những hoạch định phát triển mô hình sản xuất mới sau này sẽ khó thực hiện”, anh Thắng nói.

Cái bè hàu lồng số 1 hoàn toàn của cán bộ lãnh đạo xã tham gia: Phó Chủ tịch  Lê Thanh Liêm, Phó Trưởng công an Phan Thanh Trí và vài cán bộ Đồn biên phòng Rạch Tàu. Sau 8 tháng thả nuôi, tháng 10-2006, bè hàu lồng số 1 được thu hoạch với kết quả lãi trên 20 triệu đồng, thu hồi 100% vốn đầu tư ban đầu.

Những con số hấp dẫn ấy đã như thỏi nam châm “hút” nhiều người dân tham gia nuôi hàu. Bè hàu lồng số 1 được nối dài từ 20m lên đến 80m, rồi bè số 2, 3, 4… được thả xuống bờ sông.  Đến đầu năm 2007 thì lên đến 7 bè, bè dài nhất là 200m của nhóm anh em anh Trương Long Châu ở ấp Kinh Đào, vốn đầu tư trên 200 triệu đồng. Thế nhưng, lần thu hoạch hàu thứ hai lại… thất bại! Hầu hết mọi người đều bị lỗ vốn vì hàu đến tuổi gần khai thác thì bỗng hả họng chết gần hết. “Đúng là một cú sốc lớn đối với người dân. Mỗi người lỗ cả chục triệu đồng, một số người thối chí, rút lui”, anh Thắng kể.

Tuy nhiên, lần thất bại này đã khiến cho những người cầm cán nghề nuôi hàu lồng Đất Mũi có được những kinh nghiệm quý báu. Họ ngồi lại bàn và cải tổ toàn diện quy trình trên cơ sở có sự tham gia của các ngành chuyên môn. Và con hàu “trái tính” đã bị chinh phục trong vụ nuôi thứ ba.

Xây dựng thương hiệu “Hàu Đất Mũi – hàu sinh thái”

Trong Hội nghị tổng kết các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội địa phương năm 2007, lãnh đạo xã Đất Mũi mạnh mẽ tuyên bố nghề nuôi hàu lồng đã thành công. Ước tính vụ thu hoạch trong tháng 3-2008 có sản lượng 150 tấn hàu. Năm 2008, xã sẽ tiếp tục phát triển nghề nuôi hàu lồng rộng hơn.

Anh Nguyễn Việt Thắng khẳng định: “Chúng tôi không chủ quan khi nhận định đã thành công trong nghề nuôi hàu lồng. Quy trình nuôi hàu hiện nay của chúng tôi đã được thử nghiệm thực tiễn, nhiều công đoạn đã được cải tiến phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương”.

Theo đó, thay vì lấy giống hàu của Vũng Tàu, hiện mọi người đã sử dụng ngay con giống địa phương. Dù giá hàu giống địa phương chỉ bằng phân nửa giá hàu mắt rồng giống Vũng Tàu (7.000đ/kg) nhưng tỷ lệ hàu sống rất cao - trên 90%. Hơn nữa, nguồn hàu giống tại địa phương rất phong phú, không lo thiếu. “Chỉ cần gọi điện thoại đặt hàng thì trong vài ngày sẽ có ngay vài chục tấn hàu giống. Nghề nuôi hàu đã đẻ ra một lực lượng tìm hàu giống hùng hậu”, anh Sáu Liêm, một người nuôi hàu lồng Đất Mũi cho biết.

Cùng với sự tham mưu trực tiếp của Sở Thủy sản Cà Mau (cử cán bộ chuyên trách về thường trực tại xã), các công đoạn nuôi hàu lồng đều được tính toán trên những cứ liệu khoa học về nguồn nước, độ sâu và địa điểm đặt lồng hàu… Từ đó, những người nuôi hàu lồng Đất Mũi tự tin khẳng định mình đã thành công trong cuộc “chinh phục” con hàu địa phương.

Với sức lớn 8 tháng tăng trọng lượng gấp 3 lần, mức giá 7.000đ/kg hàu thịt và với thị trường tiêu thụ màu mỡ hiện nay (bán rất chạy tại TP. HCM và các tỉnh vùng ĐBSCL), nghề nuôi hàu lồng Đất Mũi hứa hẹn đem về cho người dân địa phương hướng mưu sinh vững chắc. “Chúng tôi đang vận động nhau xây dựng thương hiệu hàu Đất Mũi – hàu sinh thái. Hiện chúng tôi không sử dụng bất kỳ một loại thuốc hóa học nào vào trong quy trình nuôi từ khâu giống, thả nuôi đến khâu sơ chế sau thu hoạch”, anh Nguyễn Việt Thắng khẳng định.