00:00 Số lượt truy cập: 3232546

Chơi vơi cá ngừ 

Được đăng : 03/11/2016

Phú Yên là “thuỷ tổ” của nghề câu cá ngừ. Nhưng sau 16 năm phát triển, năng lực tàu thuyền tăng nhanh, sản lượng ngày càng lớn mà sức cạnh tranh của con cá ngừ đại dương Phú Yên vẫn rất thấp.


Mua bán cá kiểu... đổ đồng

Theo số liệu của Sở NN- PTNT Phú Yên, toàn tỉnh có 698 tàu chuyên đánh bắt câu cá ngừ đại dương, là địa phương có số tàu câu cá ngừ lớn nhất nước, sản lượng hàng năm trên 5.000 tấn. 2009 là năm người đánh bắt cá ngừ đại dương tỉnh Phú Yên phấn khởi nhất- không những được mùa, mà giá cá ngừ cũng cao hơn những năm trước. Ngư dân Nguyễn Văn Hùng ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa là chủ tàu PY – 91009 TS cho hay: Giá cá đạt 85.000 – 90.000 đồng/kg, cao hơn năm trước 5.000 – 10.000 đồng/kg.

Tuy được mùa, được giá nhưng nhiều chuyến vươn biển ngư dân câu cá ngừ vẫn hòa vốn, thậm chí là lỗ. Vì sao có nghịch lý này? Anh Trần Văn Khiên, chủ tàu PY – 2067 TS cho biết: Để đổi lấy miếng cơm manh áo ngư dân chúng tôi cực khổ, thậm chí mang cả tính mạng ra vật lộn với thời tiết khắc nghiệt ngoài khơi xa mới câu được con cá ngừ, nhưng khi vào đến bờ bán cá mới thấy cay đắng hơn.

Theo anh Khiên: "Năm nay cá nhiều mà giá cũng được anh em chúng tôi ai cũng phấn khởi vươn khơi. Nhưng sau 25 – 30 ngày lênh đênh trên biển câu cá, khi về bến bán cho các chủ cơ sở thu mua chúng tôi đều bị ép tới 200 - 300kg cá hàng dạt. Đây là cá loại 2, loại 3 không đạt tiêu chuẩn XK nên giá rẻ như cho. Tàu chưa bốc dỡ cá lên bờ, chưa biết chất lượng cá ra sao, vậy mà đầu nậu đã thông báo trước là sẽ mua theo giá cá xô, chỉ 20.000 –30.000đ/kg. Khổ nỗi, tôi còn nợ của đầu nậu tiền xăng dầu, lương thực từ các chuyến trước nên giờ không còn cách nào khác là buộc phải bán cá cho họ".

Ông Năm Tịnh, cũng ở phường Phú Đông là chủ tàu PY90819 TS cũng chua xót nói: “Trong một chuyến đi biển, tàu của tôi câu khơi được gần 2,5 tấn cá ngừ, cứ tưởng lãi rất cao, nhưng chỉ mừng hụt bởi khi cân bán, đầu nậu đánh rớt 1,3 tấn xuống hạng bét". Các chủ nậu, vựa còn đổ lỗi cho ngư dân kéo dài thời gian đánh bắt trên biển, cá chết trước khi kéo câu lên tàu nên chất lượng rất kém, cá chua do ướp đá bị phèn, không biết cách sơ chế nên cá dạt. Thế nhưng ông Phạm Đạn, chủ tàu PY 92447 ở phường 6, TP Tuy Hòa "tố cáo": Có khi chúng tôi ra khơi được chục ngày, gặp thời tiết xấu phải quay về giá cá vẫn bằng các tàu khác đã khai thác cả tháng. Thế là phân loại kiểu gì?

Theo anh Nguyễn Văn Hùng hiện nay ở Phú Yên có đến trên 80% chủ tàu câu cá ngừ phải mượn vốn sắm chuyến của các đại lý đồng nghĩa với việc họ bị mất quyền bán cá ngừ theo giá thị trường.

Anh Hà Viên, Phó trưởng Phòng thủy sản, Sở NN- PTNT cho hay: Hiện nay tại Phú Yên có 11 cơ sở thu mua cá ngừ, trong đó có 2 Cty xuất khẩu trực tiếp cá ngừ. Tuy nhiên hiện ở Việt Nam chưa có một văn bản nào quy định chất lượng cá ngừ, chính vì vậy các cơ sở thu mua cá ngừ đều đánh giá chất lượng cá kiểu thủ công, tức là dùng que đâm vào thịt cá để thử chất lượng, điều này hoàn toàn cảm tính. Bên cạnh đó một hình thức thu mua cá ngừ khác là mua xô toàn bộ cá trên tàu, trong khi đó tại Bình Định và Khánh Hòa người ta đánh giá chất lượng từng con cá. Chính điều này đã dẫn tới đại lý, chủ nậu, vựa ép phẩm cấp cá một cách vô tội vạ.

Theo tính toán của anh Nguyễn Văn Hùng nếu mỗi ngày một cơ sở mua chục tấn cá chỉ cần nhìn và “phán” 5- 6 con cá ngừ với chất lượng loại một (khoảng 40 -50kg/con) xuống thành hàng dạt, thì chủ cơ sở đó đã thu lãi dăm triệu đồng một cách ngon lành. Ông Nguyễn Văn Lễ , một chủ tàu ở phường 6, trong một chuyến vươn khơi câu được 34 con cá, bị một đại lý ép cá dạt 9 con. Không bằng lòng với cách mua này, ông Lễ chở cá bán cho một DN khác thì chỉ bị dạt có 3 con. Dù bị ép trắng trợn nhưng không phải chủ tàu nào cũng làm được như ông Lễ vì những lý do đằng sau đó.