![]() Người dân xã Yên Ðồng, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) làm đường giao thông. Ảnh: LÊ ÐỒNG |
Hành trang để Vĩnh Phúc xây dựng NTM rất thuận lợi bởi khi thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy và Nghị quyết 26 của T.Ư, có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, một số tiêu chí quan trọng phù hợp bộ tiêu chí quốc gia về NTM đã được xây dựng và hoàn thành. Chẳng hạn như tỉnh đã đạt chuẩn về các lĩnh vực trọng yếu như giao thông, điện, giáo dục... xã đạt từ 12 đến 15 tiêu chí, chiếm 4,5%, xã đạt từ 8 đến 11 tiêu chí chiếm 23,5%.
Trước hết phải nói đến sự đầu tư rất lớn của tỉnh. Giai đoạn từ năm 2006-2010, tỉnh đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng tập trung vào các lĩnh vực: điện, thủy lợi, giao thông, giáo dục... Ðến năm 2010, toàn tỉnh đã cứng hóa 2.582/3.562 km đường giao thông nông thôn. 100% số xã có trường tiểu học và THCS, tỷ lệ trường học mầm non được kiên cố hóa đạt 50%, tiểu học đạt 86%, THCS đạt 93%, THPT và giáo dục thường xuyên đạt 99%. 100% số xã trong tỉnh có trạm y tế, và có điểm truy cập in-tơ-nét... Cũng nhờ số vốn này, Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên hỗ trợ toàn bộ phí dịch vụ thủy lợi nội đồng cho nông dân. Toàn bộ công trình thủy lợi trên địa bàn xã được giao cho bốn công ty thủy lợi quản lý, khai thác, đảm nhận tưới cho gần 40 nghìn ha. Một số công trình thiết yếu như chợ, hội trường, trạm y tế, trụ sở UBND xã..., không chỉ làm thay đổi diện mạo của tỉnh mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Việc triển khai chương trình xây dựng NTM sẽ được triển khai theo hai giai đoạn 2011-2015 và 2015-2020. Trong khi cả nước xây dựng 11 xã làm điểm mô hình NTM, thì riêng Vĩnh Phúc đã chủ động thực hiện tại 20 xã điểm. Ðây là một nỗ lực mạnh mẽ, nhằm thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Nguồn vốn đầu tư cho chương trình giai đoạn 2011-2020 lên tới hơn 23.200 tỷ đồng, được huy động từ ngân sách nhà nước, nguồn tín dụng, xã hội hóa và nhân dân đóng góp. Khi nói về chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đồng chí Phùng Quang Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: "Chuyển động này mới chỉ là bước đầu, và cũng không ngoài những mục tiêu: xây dựng nông thôn Vĩnh Phúc theo hướng giàu, đẹp, văn minh, có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển hiện đại, gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch".
Ðể tạo cho được sự chuyển biến đó, Vĩnh Phúc phải qua không ít lần trăn trở. Thực tế cho thấy, đặc điểm của nông thôn Vĩnh Phúc là thuần nông. Dân số hơn một triệu người, trong đó nông thôn chiếm 77,6%. Hiện nay, nông thôn Vĩnh Phúc đã có nhiều thay đổi, sự chuyển đổi nhanh chóng về cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp dẫn đến hệ lụy là bên cạnh những trật tự sẵn có, nảy sinh bộ phận tự phát, xây dựng lộn xộn. Chuyện làm nhà với không ít người là mơ ước và "sự nghiệp" của cả đời. Song, ngay cả những khu dân cư mới được đầu tư xây dựng trong thời gian gần đây vẫn thiếu sự đồng bộ, nặng về giải quyết những nhu cầu trước mắt. Trước đây, Vĩnh Phúc đã lập quy hoạch xã theo tinh thần Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy, nhưng bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM cũ có nhiều điểm không còn phù hợp, bởi các quy hoạch trước đây chỉ là quy hoạch phát triển trung tâm xã, quy hoạch cho các khu vực dịch vụ, sản xuất, hầu như chưa có. Trong khi đó, việc quy hoạch xã NTM phải gắn với 19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia, có định hướng phát triển về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh toàn diện. Với mục tiêu phấn đấu 47% số xã đạt các tiêu chí nông thôn mới vào năm 2015, tiến tới hoàn thành gần hết Chương trình vào năm 2020, Vĩnh Phúc đang quyết tâm hoàn thành quy hoạch xã nông thôn mới vào tháng 11-2011 và hoàn thành lập đề án xã NTM vào tháng 12-2011.
Chính vì vậy, Vĩnh Phúc xác định công tác quy hoạch là tiền đề quan trọng phải "đi trước, làm trước". Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, ở cả bốn cấp tỉnh, huyện, xã, thôn của tỉnh đều thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM. Việc thực hiện quy hoạch theo phương thức UBND xã làm chủ đầu tư dự án lập quy hoạch, UBND huyện phê duyệt, nguồn vốn do ngân sách tỉnh bảo đảm; trong quy hoạch phải thể hiện được ba nội dung chủ yếu: quy hoạch chung về phát triển kinh tế - xã hội của xã, quy hoạch chi tiết về phát tiển sản xuất và cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn.
Trên cơ sở chuẩn quy hoạch nông thôn của Trung ương, Vĩnh Phúc tiến hành xây dựng các nội dung và trình tự thẩm định phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng xã NTM phù hợp đặc thù địa phương. Không giống như các bước quy hoạch là phải tiến hành khảo sát rồi mới tiến hành quy hoạch. Với cách làm như vậy, sẽ nảy sinh một số tình huống bất cập là các xã được khảo sát hiện trạng nhưng đến giai đoạn cho đầu tư xây dựng, hiện trạng không còn phù hợp. Ðến giai đoạn các xã được đầu tư, muốn làm cho sát lại phải khảo sát thêm một lần nữa. Ðiều này sẽ dẫn tới lãng phí, tốn kém công sức tiền của. Vì vậy, chương trình xây dựng NTM của Vĩnh Phúc nêu rõ, xã nào chưa có quy hoạch và đề án xây dựng NTM được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì chưa được đầu tư. Dự thảo quy hoạch khi xây dựng phải được Ðảng ủy, HÐND xã thông qua, nhân dân tham gia, góp ý, và UBND huyện phê duyệt. Sau đó, quy hoạch được xã, thôn thông báo công khai, trước Ðảng bộ và trưng bày trên bảng tin đặt tại khu trung tâm.
Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành viên Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Vĩnh Phúc, một trong những khó khăn trong công tác quy hoạch là xác định được tiêu chuẩn cho các công trình. Vấn đề này Trung ương cũng chưa có quy định. Từ thực tế đó, Vĩnh Phúc đã chủ động xây dựng và ban hành chỉ tiêu kỹ thuật cho các mục công trình như, quy định về diện tích các loại công trình như đất ở, khu thiết chế văn hóa thể thao, chợ, trường học, đường giao thông nông thôn...
Quy hoạch chung phải tạo diện mạo tổng thể của từng cơ sở. Thí dụ, nêu rõ quan điểm lựa chọn các điểm dân cư tập trung, dự báo quy mô dân số, số hộ và lao động toàn xã, quy mô đất đai. Ðồng thời, quy hoạch chi tiết bố cục không gian kiến trúc, sử dụng đất và giao thông nội đồng, trạm y tế, trường học, đường giao thông liên thôn, xóm... Chẳng hạn, phải xác định rõ vùng sản xuất hàng hóa trồng gì, nuôi gì, trên cơ sở khảo sát thổ nhưỡng, nhu cầu thị trường, rồi đưa ra những đánh giá tiềm năng...
Những việc cần làm đã rõ. Bức tranh xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Phúc đang dần được hoàn thiện, dù vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt. Nhưng bằng quyết tâm của cả hệ thống chính trị cũng như sự đồng thuận của nhân dân, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Vĩnh Phúc đã, đang từng bước phát triển bền vững.