Bỏ lại ước mơ đại học
Sinh năm 1978, là con cả trong một gia đình có 4 anh em nên ngay từ nhỏ Kiên đã tạo cho mình đức tính tự lập cao. Học xong lớp 12, Kiên nuôi chí thi đại học kiến trúc với mong muốn trở thành kiến trúc sư nhưng 2 năm thi đều thất bại. Gia đình không mấy khá giả, thương bố mẹ, Kiên đã từ bỏ ước mơ vào đại học, tự kiếm nghề nuôi thân. Làng Kiên từ lâu đã có nghề làm bánh đa nem, anh quyết định chọn nghề của cha ông lập nghiệp. Cả làng làm bánh tráng nhưng bà con chỉ biết làm theo lối thủ công nên hiệu quả không cao, sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Đặc biệt là khâu tiếp thị kém nên việc tiêu thụ sản phẩm gặp không ít khó khăn. Thấy hạn chế đó, Kiên đã nảy ra ý tưởng mang đặc sản quê mình đi chào hàng khắp nơi.
Vậy là hàng ngày, mọi người tráng bánh còn Kiên khăn gói quả mướp đi khắp trong Nam ngoài Bắc giới thiệu sản phẩm. Nhờ duyên ăn nói, lại thật thà nên đến đâu anh cũng được mọi người quý mến, sản phẩm của làng được người tiêu dùng ưa chuộng vì có chất lượng cao, đơn đặt hàng ngày một nhiều.
Sau những lần bôn ba trong Nam ngoài Bắc, Kiên nhận ra rằng nếu cứ làm theo cách thủ công thì sản lượng bánh không thể đáp ứng được nếu có đơn đặt hàng lớn. Đi đến đâu anh cũng thấy người ta đưa máy móc vào sản xuất, vì vậy anh quyết định đưa máy tráng bánh đa nem về làng trước sự ngỡ ngàng của bà con xã Nguyên Lý.
Mang máy về làng Anh Kiên và giải thưởng
Năm 2003, Kiên đưa chiếc máy tráng bánh đa nem đầu tiên về làng. “Lúc đó cả làng xì xào bàn tán, có người không tin tôi sẽ thành công”, Kiên kể. Nhưng bằng ý chí và sự quyết tâm, Kiên vẫn âm thầm làm với sự giúp sức của cha là ông Trần Quang Chiến. Ban đầu, hai cha con gặp không ít khó khăn về kỹ thuật. “Có những lần bánh tráng ra bị vữa, buộc phải bỏ đi hàng tấn gạo, nhìn cảnh đó tôi buồn đến nghẹn lòng”, Kiên nhớ lại. Sau những thất bại, anh đúc rút được nhiều kinh nghiệm và đã thành công. Bánh đa nem được tráng bằng máy không chỉ có độ kết tinh hơn, bánh chín đều, dẻo, dai, giá thành rẻ mà tốc độ làm bánh gấp 40 lần so với phương pháp thủ công”.
Lương Định Của.
Không dừng lại ở đó, năm 2007 anh quyết định đưa thêm 3 máy về, mỗi máy trị giá 100 triệu đồng. Cũng thời điểm này, anh thành lập Công ty cổ phần Chiến Hương.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn vận động bà con trong xã bỏ cách làm thủ công, đưa máy vào sản xuất, anh là người trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật. Từ chỗ chỉ duy nhất gia đình anh đưa máy vào tráng bánh đến nay cả xã đã có trên 200 hộ làm theo, khiến sản lượng bánh của xã tăng hàng chục lần.
Mới đây, Kiên đã đưa vào hoạt động máy bánh đa rắc vừng. Tương lai anh sẽ thuê thêm đất để mở rộng cơ sở sản xuất và nghiên cứu cho ra các loại bánh mới.
Nhờ những cố gắng, nỗ lực trên, Kiên đã được các ban ngành, đoàn thể tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Anh còn là một trong 100 nhà nông trẻ xuất sắc, được Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Lương Định Của năm 2009.