00:00 Số lượt truy cập: 3234077

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp ở Lạng Sơn 

Được đăng : 03/11/2016

Nhờ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp nên Lạng Sơn đã quy hoạch và bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Tuy nhiên, sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, chưa gắn vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến và bảo quản sau thu hoạch.


Một số mô hình hiệu quả cao

Ở thôn Lăng Ðồn, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, có gia đình ông Hoàng Văn Châu, đông con, nghèo đói, nhưng chỉ sau mười năm, nhờ trồng cây na dai mà thoát cảnh đói nghèo. Không những thế, bốn người con trai của ông đều ra ở riêng và xây được nhà kiên cố. Ông Châu cho biết, trước đây gia đình có tám nhân khẩu mà chỉ có hơn một mẫu ruộng. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, cây na được bà con trong thôn đem từ Hoài Ðức (Hà Tây cũ) về trồng, lúc đầu không ai nghĩ cây na có thể giúp "xóa đói, giảm nghèo", nhiều hộ chỉ trồng để ăn, rồi đem ra chợ bán. Không ngờ quả na lại được nhiều người ưa chuộng, rồi trở thành cây đặc sản. Thổ nhưỡng phù hợp nên cây na trồng rất dễ, sau ba năm đã cho quả. Từ đó trồng na trở thành phong trào. Ông Châu cho biết: "Gia đình tôi hiện có hơn bốn nghìn cây na, từ mười năm nay, mỗi năm thu hơn một tấn quả, năm được giá, thu gần 50 đến 60 triệu đồng. Năm nay mưa thuận gió hòa, na sai quả lắm, chỉ hơn tháng nữa sẽ cho thu hoạch".

Về phong trào nông dân thi đua làm giàu trên mảnh đất quê hương mình, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chi Lăng Hoàng Văn Mít nói: Là huyện miền núi, địa hình chia cắt, trên một địa bàn mà có nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, nên rất khó tập trung phát triển một loại cây trồng. Vì vậy, để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, từ năm 1986, huyện đã có nghị quyết, tập trung chỉ đạo, quy hoạch ba khu vực kinh tế trọng điểm. Ðến nay, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng, đem lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích. Cụ thể như: Vùng kinh tế số một dọc theo quốc lộ 1A, có địa hình tương đối bằng phẳng và có dãy núi đá vôi, rất thuận lợi cho phát triển các loại cây ăn quả như na, vải thiều, nhãn... và trồng các loại cây hoa màu. Theo định hướng đó, đến nay, đã có năm xã dọc quốc lộ 1A trồng hơn một nghìn ha na dai, trong đó có 80% số diện tích đã cho thu hoạch, có nhiều hộ một vụ na cho thu hoạch trung bình từ 10 đến 60 triệu đồng; hộ cao nhất lên đến 150 triệu đồng. Vùng kinh tế số hai là các vùng núi đất, chủ yếu phát triển chăn nuôi và trồng cây lâm nghiệp, bao gồm các xã như: Lâm Sơn, Quan Sơn, Vân Thủy... Ở thôn Co Hương, Hữu Kiên, gia đình anh Nông Văn Mao, đã vay vốn đầu tư phát triển đàn bò, dê, ngựa... mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng... Còn vùng kinh tế thứ ba, thuộc về các xã ở vùng núi đá vôi, vì khô hạn kéo dài, lại nằm trên núi đá cao, nên các xã này tập trung phát triển cây công nghiệp ngắn ngày như ngô, đỗ tương, thuốc lá... nhiều hộ đã thoát nghèo nhờ những cây trồng này.

Huyện Bắc Sơn có tiểu vùng khí hậu khá riêng biệt, cho nên tập trung phát triển cây ăn quả, nhất là cây quýt. Sau nhiều năm, đây đã trở thành vùng quýt lớn nhất của tỉnh, với tổng diện tích hơn 1.200 ha. Hầu hết các hộ nông dân ở 20 xã, thị trấn trong huyện tham gia trồng quýt, nhiều hộ trồng từ hai đến ba ha quýt, mỗi năm cho thu hoạch từ 50 đến 60 triệu đồng. Sản lượng quýt ở Bắc Sơn hằng năm ước đạt từ năm đến sáu nghìn tấn quả, với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng.

Cần tìm hướng đột phá

Từ năm 2004, Tỉnh ủy Lạng Sơn có nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và phát triển nông thôn. Do khẳng định tầm quan trọng của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cho nên nhiều năm qua tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như: Chính sách trợ cước, trợ giá vận chuyển giống cây lương thực, chính sách khuyến nông, chính sách phát triển đàn bò, hỗ trợ mua máy cày tay, máy bơm nước, hỗ trợ vốn vay trồng cây lâm nghiệp... Nhờ đó, nhiều nơi trong tỉnh đã khai thác tiềm năng thế mạnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.

Ðến nay, tỉnh đã hình thành bảy vùng sản xuất hàng hóa tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao như vùng lúa, vùng sản xuất cây công nghiệp ngắn ngày; vùng sản xuất cây công nghiệp dài ngày tại hai huyện Lộc Bình, Ðình Lập, vùng cây ăn quả... Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nông Ngọc Tăng, việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa trên địa bàn tỉnh, bước đầu đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng nông lâm trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh giảm từ 42,62% năm 2004 xuống còn 39,34% năm 2008; diện tích cây thực phẩm tăng 1,8%, cây công nghiệp hằng năm tăng 2,1%; thu nhập bình quân đầu người đạt 10,37 triệu đồng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 19,32%... Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được tăng cường đáng kể, hệ thống thủy lợi bảo đảm tưới tiêu hơn 50 nghìn ha lúa hai vụ, cơ giới hóa trong nông nghiệp nông thôn tăng hơn 40%, góp phần tăng năng suất, giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Tuy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh đúng hướng nhưng còn chậm, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao. Một điều dễ nhận thấy là trong nông, lâm nghiệp, sản xuất hàng hóa còn ở trình độ thấp, chưa tương xứng với tiềm năng; chất lượng sản phẩm chưa cao, khả năng cạnh tranh còn thấp do chưa có công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch, đầu ra cho nông sản còn gặp nhiều khó khăn, chưa khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, việc đầu tư thâm canh, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đối với các hộ nông dân còn hạn chế, công tác quản lý chất lượng giống, giá cả thị trường bấp bênh, cho nên một số cây đặc sản riêng của tỉnh chưa được đầu tư, coi trọng. Giám đốc Công ty cổ phần giống cây trồng đông bắc Hoàng Lê Minh cho biết: Nếu không chọn hướng đột phá và không có cơ chế đầu tư thỏa đáng thì nhiều loại cây, con giống trên địa bàn tỉnh sẽ đứng bên bờ tiệt chủng, bởi vậy rất cần sự huy động các nguồn lực trong xã hội phục vụ cho chuyển đổi cơ cấu nông, lâm nghiệp của tỉnh. Ðể khắc phục những tồn tại trên, tỉnh cần có các giải pháp đồng bộ như: Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, sản phẩm nông lâm, tiếp tục có cơ chế hỗ trợ cho bà con nông dân; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các vùng nông thôn phục vụ luân chuyển hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh ở mỗi địa phương.