00:00 Số lượt truy cập: 3234337

Chuyện tìm hướng thoát nghèo ở Lạng Sơn 

Được đăng : 03/11/2016
Những năm qua, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nên nhiều hộ nông dân Lạng Sơn đã có cuộc sống ổn định, thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu. Song sản xuất nông nghiệp hàng hóa còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hạn chế, đầu ra cho sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn...

Có chí thì nên

Từ thị trấn huyện Hữu Lũng vào đến thôn Ðoàn Kết của xã Hòa Sơn hơn 20 km mà phải đi xe gần một giờ mới tới nhà anh Phùng Văn Bắt, dân tộc Nùng, hội viên Hội Nông dân.

Kể chuyện về hành trình tìm cách làm giàu, anh Bắt nói: Năm nay đã 51 tuổi rồi, kinh tế gia đình mới khá lên đôi chút. Hơn 10 năm về trước gia đình tôi nghèo lắm, ruộng nương nhiều, nhưng cứ tháng ba, ngày tám lại đói, nhà thì đông con... Nhiều đêm trăn trở, nghe đài, báo, thấy nhiều nơi bà con làm giàu ngay chính vườn rau, ao cá... Mình tự đặt câu hỏi làm gì để thoát nghèo, trong khi tiền vốn không có, kinh nghiệm cũng không, nên lúc đầu làm đủ thứ: trồng vải thiều, hồng mận, mơ, nuôi o­ng, cá... Tích lũy kinh nghiệm dần, thấy nuôi cá giống là đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất, vì trong xã có nhiều hộ đào ao nuôi cá nhưng lại phải lấy con giống ở các nơi khác. Từ khi ươm các loại cá giống: mè, trôi, trắm, chép...  thành công, gia đình mở rộng đào hơn bốn sào đất làm ao nuôi cá. Nhưng rồi con cá, giá cả cũng bấp bênh lời lãi chẳng là bao, nên anh bắt đầu tập trung nuôi thử ba ba. Khi có đồng vốn, anh tự học hỏi, tìm tòi kỹ thuật nuôi ba ba giống, sau hai năm anh đã nuôi thành công, cung cấp giống ba ba cho nhiều nơi khác trong và ngoài huyện. Hiện gia đình anh có trong ao hơn 30 nghìn con giống ba ba đang chuẩn bị bán, giá mỗi con hơn 25 nghìn đồng, đây là nguồn thu chủ yếu của gia đình. Một năm, tổng nguồn thu từ các khoản nuôi o­ng lấy mật, ao cá, ba ba... đạt 50 triệu đồng trở lên.

Anh Nông Văn Triển ở thôn Bến Cát, Minh Tiến, (Hữu Lũng), cũng tìm cách xóa nghèo bằng mô hình kinh tế tổng hợp. Anh Triển cho biết: gia đình có nhiều lợi thế về đất đai, nhưng do các sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ, nên phải chọn phương thức phát triển kinh tế đa dạng với đủ các loại  hình: vườn, ao, chuồng, ruộng, lâm nghiệp... về ruộng có gần hai ha, mỗi năm thu hàng chục tấn thóc, ngô ba tấn một vụ; phát triển lợn nái, nuôi bò, nuôi nhím, hươu sao, ao cá; trồng hơn bốn ha bạch đàn... làm dịch vụ vật tư nông nghiệp, tổng thu nhập hằng năm từ 150 đến 170 triệu đồng/năm. Nhà có bốn nhân khẩu nên vào vụ thu hoạch phải thuê từ 10 lao động trở lên trợ giúp. Năm 2005 anh được vinh dự đi dự hội nghị làm kinh tế giỏi toàn quốc do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.

Ðể giúp bà con trong thôn cùng phát triển kinh tế, anh Nông Văn Triển còn thành lập câu lạc bộ mang tên: "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi". Câu lạc bộ mỗi quý họp một lần, để trao đổi, hướng dẫn các thành viên ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Con đường vươn lên làm giàu của anh Vi Văn Can, ở thôn Bó Luông, xã Ðồng Ý (Bắc Sơn) thật đáng trân trọng. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bảy anh em. Khi trưởng thành cũng đi lang bạt tứ xứ làm đủ nghề nhưng cũng không đủ ăn. Anh đành trở về quê lập nghiệp bằng việc khai khẩn ruộng, nương, đào ao nuôi cá. Sau ba năm đến nay, gia đình anh đã trồng được 245 cây bưởi Diễn, đào 480m2 ao cá, mỗi năm nuôi và bán hơn hai tấn gà thả vườn, trồng hơn một ha rừng và phải lấy ngắn nuôi dài bằng việc trồng cây lúa, ngô lai... bước đầu cũng đã thu nhập gần 20 triệu đồng/năm. Anh Vi Văn Can, thổ lộ: muốn tập trung phát triển một số loại cây trồng và chăn nuôi gà thả vườn, những sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ, lại không ổn định, nên phải phát triển với mô hình đa cây, đa con...

Cần có giải pháp cụ thể

Là một tỉnh miền núi, Lạng Sơn có hơn 80% dân số sống ở nông thôn. Những năm qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và phát triển nông thôn. Hơn 10 năm nay, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách như: trợ giá, trợ cước vận chuyển giống cây lương thực; hỗ trợ lãi suất vay mua máy cày tay, máy bơm nước; chính sách phát triển đàn bò; hỗ trợ vốn vay trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả... Nhờ đó đã góp phần giảm tỷ trọng nông nghiệp xuống còn 38,9%  trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, các ngành lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ tăng.

Ðến nay, đã có hơn 60% số hộ nông dân, tương đương 36.326 hộ đạt danh hiệu: "Hộ sản xuất kinh doanh giỏi" các cấp, có mức thu nhập từ 20 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng/năm trở lên. Hằng năm nhiều hộ nông dân đã xóa được đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu chính đáng. Các hộ sản xuất kinh doanh giỏi tạo điều kiện giúp đỡ các hộ khác thoát nghèo, vì vậy đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hiện còn 21,8%.

Một nét khá nổi bật trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh là đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Cụ thể là vùng cây hồi, một thế mạnh ở các huyện: Văn Quan, Bình Gia, Tràng Ðịnh... tổng diện tích hơn 32.700 ha, với sản lượng bình quân năm đến sáu nghìn tấn/năm. Vùng cây công nghiệp gồm: cây thông ở Lộc Bình, Ðình Lập... tổng diện tích hơn 77 nghìn ha. Ngoài ra các địa phương còn trồng xen các loại cây khác: bạch đàn, keo, diện tích hơn 32 nghìn ha. Hình thành các loại cây ăn quả, cây đặc sản như: vùng quýt Bắc Sơn hơn 1.200 ha; vùng na dai Chi Lăng, Hữu Lũng, hơn 1.800 ha; vùng vải thiều Hữu Lũng hơn sáu nghìn ha...

Ðiều dễ nhận thấy là những diện tích đạt 50 triệu/ha còn ít, toàn tỉnh hiện mới có 38 trang trại, (quy mô bình quân một trang trại là 14 ha), nhưng hiệu quả làm ăn chưa cao. Hầu hết các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn chậm, vẫn tiềm ẩn nguy cơ thiếu bền vững, hiệu quả kinh doanh manh mún.

Trong nông, lâm nghiệp sản xuất hàng hóa còn ở trình độ thấp, chất lượng sản phẩm làm ra chưa có khả năng cạnh tranh; việc chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, đầu ra cho sản phẩm còn nhiều khó khăn. Các lĩnh vực khác như: sản xuất công  nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở quy mô nhỏ, sản xuất không tập trung. Việc đầu tư, thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hạn chế, nhất là việc quản lý chất lượng giống cây ăn quả bị thả nổi, buông lỏng, nên nhiều vườn cây đặc sản như: hồng, quýt, na đang có dấu hiệu bị thoái hóa...

Thực tiễn trên tỉnh cần có giải pháp cụ thể như huy động mọi nguồn lực trong dân, các tổ chức kinh tế trong nước và ngoài nước đầu tư vào các loại cây trồng mang tính chủ lực như cây hồi, quýt, na... Ðặc biệt là nối liên kết "Bốn nhà" cần được chú trọng, thì sản phẩm nông, lâm nghiệp làm ra mới có cơ may đứng vững trong thị trường. Bên cạnh đó Nhà nước cùng với huy động sức dân, tăng cường vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn về các công trình thủy lợi, đường giao thông nông thôn; hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông, lâm nghiệp... Ðó là những vấn đề cốt lõi nhất để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở một tỉnh miền núi.