00:00 Số lượt truy cập: 3231899

Cơ hội cho nghề sản xuất tương truyền thống phát triển 

Được đăng : 03/11/2016

Trong thời gian gần đây, khi phát hiện 21 doanh nghiệp chế biến thực phẩm sản xuất nước xì dầu công nghiệp có sử dụng hàm lượng 3- MCPD vượt quá mức quy định gây ảnh hưởng tới sức khỏe, người tiêu dùng đang có xu hướng quay lại với các sản phẩm tương truyền thống. Đây là cơ hội tốt để làng nghề tương Dục Mỹ, xã Cao Xá (Lâm Thao - Phú Thọ) có cơ hội phát triển.


Nghề sản xuất tương ở làng Dục Mỹ đã có từ rất lâu đời nhưng đến nay nhiều người mới thực sự được biết tới sản phẩm này. Từ tháng 7 đến tháng 12-2006, sau khi UBND xã Cao Xá tiến hành một số dự án nghiên cứu về sản phẩm, với ưu điểm sản xuất theo phương thức thủ công hoàn toàn không sử dụng hóa chất độc hại gây ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng. Làng Dục Mỹ được tỉnh công nhận là làng nghề tương truyền thống.

Trong thời điểm vệ sinh an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu như hiện nay thì sản phẩm tương Dục Mỹ bước đầu đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu về chất lượng. Chị Vi Thị Hương- người sản xuất tương cho biết: “Trong quá trình làm tương chúng tôi luôn chú ý tới vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, từ những dụng cụ làm tương như chum, vại cũng phải cọ rửa sạch sẽ, rồi trong khi phơi, lúc làm mốc cũng luôn đảm bảo vệ sinh và qui trình để nước tương có thể ngon, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mọi người”.

Nước tương được làm từ bốn loại nguyên liệu chính gồm: Gạo nếp, đỗ tương, muối và nước, nhưng trong quá trình sản xuất yêu cầu người làm phải rất cẩn thận và đặc biệt đòi hỏi có kinh nghiệm lâu năm, nắm bắt được các thời điểm trong quy trình làm. Gạo nếp sau khi được nấu thành xôi, sẽ được phơi ra nong để nơi thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Các công đoạn tiếp theo từ trộn, cấy mốc tương, phơi khô... và ủ lên men đều cần tuân thủ đúng quy trình mới có thể đạt hiệu quả tốt nhất. Mặc dù đều trải qua một quy trình giống nhau nhưng mỗi người, mỗi gia đình vẫn giữ cho mình một bí quyết nhỏ để có được loại tương ngon nhất mà vẫn đảm bảo được mùi vị riêng.

Hiện nay toàn xã có gần 100 hộ chuyên về sản xuất tương, tuy nhiên quy mô còn nhỏ lẻ, chủ yếu mang tính chất tự cung tự cấp, chưa có tổ chức nào đứng ra thu gom sản phẩm. Vừa qua, xã Cao Xá đã có quyết định thành lập ban chỉ đạo làng nghề tương truyền thống gồm 9 thành viên, chia làm 3 tổ: Một tổ phụ trách sản xuất, một tổ phụ trách công tác tuyên truyền và một tổ kiểm tra chất lượng sản phẩm. Hiện đã có một số cơ sở đầu tư sản xuất lớn như gia đình bà Đỗ Thị Nghì, bà Nguyễn Thị Tâm, sản lượng trung bình hàng năm đạt trên 2.000 lít, đặc biệt vào thời điểm gần đây khi các sản phẩm nước tương công nghiệp có chứa hàm lượng 3 - MCPD vượt quá mức quy định thì sản lượng tương Dục Mỹ bán ra tăng đột biến. Bà Nguyễn Thị Nghì một hộ sản xuất tương theo hướng thương mại ở làng Dục Mỹ cho biết: Trước đây, vào thời điểm chưa diễn ra hiện tượng nước tương công nghiệp bị phát hiện nhiễm chất 3- MCPD vượt quá mức quy định, gia đình bà chỉ tiêu thụ khoảng hai đến ba trăm lít mỗi tháng, tuy nhiên vào thời điểm cuối tháng 5 đầu tháng 6 gia đình bà đã bán được khoảng 700 lít, không những gia đình bà mà hầu hết các gia đình bán tương ở Dục Mỹ sản lượng bán ra đều tăng nhanh.

Xây dựng thương hiệu cho một sản phẩm đặc biệt là đối với các mặt hàng sản xuất trong nông nghiệp nông thôn là một vấn đề hết sức khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong quá trình phát triển làng nghề, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tương Dục Mỹ, hiện nay người dân trong làng mong muốn các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở quan tâm tạo điều kiện để các sản phẩm của làng có cơ hội phát triển chiếm lĩnh thị trường không chỉ trong tỉnh mà còn mở rộng ra thị trường toàn quốc. Ông Phạm Văn Thành - trưởng làng nghề nêu lên kiến nghị: “Thời gian tới, chúng tôi mong muốn có sự trợ giúp của chính quyền cùng các cơ quan chức năng để xây dựng thương hiệu cũng như đăng ký chất lượng, quy mô, kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm tương Dục Mỹ, để sản phẩm này có được chỗ đứng trên thị trường”.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh giá trị sản xuất CN - TTCN trong nông nghiệp nông thôn là một định hướng lớn của Đảng và Nhà nước. Với thế mạnh vốn có, trong tương lai làng nghề tương Dục Mỹ sẽ tiếp tục phát triển và giải quyết tốt việc làm và nâng cao thu nhập cho đông đảo lao động tại địa phương.