Cây chè được coi là cây mũi nhọn trong xóa đói giảm nghèo ở Đoan Hùng bởi có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển.
Hiện nay, tổng diện tích chè của Đoan Hùng là 2.141,5ha, trong đó có nhiều xã có diện tích lớn như Minh Lương (188ha), Bằng Doãn (210ha), Tây Cốc (192ha), Bằng Luân (151ha), Phúc Lai (162ha)... hàng năm thu hoạch từ 5.000 – 8.000 tấn chè búp tươi cung cấp cho hàng chục doanh nghiệp chế biến của huyện. Từ điều kiện thổ nhưỡng và kỹ thuật chăm sóc, chè Đoan Hùng có chất lượng tốt và được khách hàng quốc tế đánh giá cao về chất lượng, có lợi thế không nhỏ cho xuất khẩu. Một yếu tố khác để cây chè Đoan Hùng phát triển thuận lợi là sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ phát triển cây chè của tỉnh và huyện. Bằng việc đầu tư loại bỏ dần diện tích chè xấu, chè có năng suất, sản lượng và chất lượng thấp, tạo điều kiện cho người dân đưa các giống chè mới có chất lượng cao như LDP1, LDP2, PH1, chè chất lượng cao vào sản xuất và mạnh dạn bỏ vốn đầu tư thâm canh nâng cao năng suất và sản lượng che. Do có nhiều doanh nghiệp thu mua, chế biến chè đóng trên địa bàn nên việc tiêu thụ chè búp tươi đối với người dân địa phương có thuận lợi hơn một số địa phương khác. Điều đó tạo tâm lý yên tâm cho người trồng. Theo ông Bùi Văn Vượng - Chủ tịch UBND xã Minh Tiến: Cây chè được người dân Đoan Hùng xác định là cây làm giàu chứ không chỉ là cây xoá đói giảm nghèo. Tại Minh Tiến có nhiều người như ông Nguyễn Hồng Liên, Tạ Quang Dân mỗi hộ có tới 4ha, mỗi tháng thu hàng chục triệu đồng tiền chè. Thấy rõ hiệu quả kinh tế cây chè mang lại, người dân trong xã đã tích cực đầu tư cho sản xuất chè. Một số địa phương đã mời kỹ thuật viên của Công ty chè Phú Bền hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, nên chè của nhiều hộ đạt năng suất và chất lượng cao hơn. Chè búp tươi đều được Công ty ưu tiên thu mua nguyên liệu trong vùng nên người trồng chè không bị ép giá, bà con yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.
Bên cạnh những thuận lợi, bước vào vụ chè năm nay, Đoan Hùng cũng gặp không ít khó khăn. Việc thời tiết diễn biến không thuận lợi, khô hạn kéo dài khiến năng suất và chất lượng chè giảm rõ rệt. Tình trạng khô hạn còn khiến cho sâu bệnh tăng gây những khó khăn nhất định cho người nông dân. Tuy đã có đầu ra nhưng giá bán chè búp tươi còn thấp trong khi giá vật tư, phân bón lại tăng cao khiến cho thu nhập từ cây chè chưa đủ để đảm bảo đời sống người trồng chè. Giá chè chỉ thường xuyên dao động ở mức từ 3.000 – 3.500 đồng/kg, thậm chí có những thời điểm còn xuống dưới 3.000 đồng. Đối với các xã như Minh Tiến, Minh Lương, Bằng Doãn, Vân Đồn... cây chè là nguồn thu chính nên giá chè búp tươi thấp gây khó khăn cho người trồng.
Chè Đoan Hùng mặc dù được người tiêu dùng biết đến từ lâu và được khách hàng đánh giá cao về chất lượng nhưng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu. Thị trường tiêu thụ còn hẹp, các doanh nghiệp chế biến quy mô nhỏ, sức cạnh tranh với nhiều đơn vị khác chưa cao. Nhiều yếu tố, đặc biệt là chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế còn chưa đạt cũng là trở ngại không nhỏ trong quá trình mở rộng thị trường xuất khẩu chè. Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn, tuy đã có cải thiện hơn trước nhưng vẫn chưa đáp ứng được điều kiện để phát triển. Mặc dù các chính sách hỗ trơ của tỉnh và huyện, đặc biệt là chương trình cho vay vốn đã phát huy được hiệu quả, nhưng trên thực tế không phải hộ nông dân nào cũng có thể tiếp cận với chương trình.
Xác định chè là một trong những cây mũi nhọn để góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, lãnh đạo huyện Đoan Hùng đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, quy hoạch vùng sản xuất chè, trồng xen chè với diện tích trồng bưởi, giữ ổn định và đầu tư thâm canh tập trung hơn 1.800ha đến năm 2015. Tiếp tục đầu tư thay đổi cơ cấu giống theo chương trình AFD, cơ quan khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật và khuyến cáo người dân sử dụng các loại phân bón sinh học, thân thiện với môi trường và đẩy mạnh sản xuất theo hướng VietGAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi của Việt Nam); khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ để có thể tăng lượng hàng hoá xuất khẩu, từ đó nâng giá thu mua chè nguyên liệu để góp phần giải quyết khó khăn cho người trồng chè. Huyện còn liên kết với Công ty chè Phú Bền giúp người dân học tập kinh nghiệm và kỹ thuật canh tác chè đạt hiệu quả cao nhất.
Những cơ hội và thách thức mà sản xuất chè ở Đoan Hùng đang gặp cũng là cơ hội và thách thức cho sản xuất chè ở các địa phương khác. Khắc phục được những khó khăn và tận dụng tốt cơ hội để đưa chè Phú Thọ nói chung và Đoan Hùng nói riêng tạo dựng được thương hiệu để đẩy mạnh xuất khẩu sẽ góp phần nâng cao đời sống cho người trồng chè.