00:00 Số lượt truy cập: 2670579

Công trình khoa học mới: Máy băm lá 

Được đăng : 03/11/2016
Việc trồng trọt, thu hoạch mía hiện nay tại Việt Nam phần lớn vẫn được thực hiện chủ yếu theo cách truyền thống. Người dân trồng mía sau khi thu hoạch bán hết phần thân cho các cơ sở chế biến, chỉ biết đốt lá mía sau thu hoạch để kịp canh tác.

Việc xử lý những đống lá ngồn ngộn là một vấn đề nan giải bởi lá mía hầu như không thể dùng được vào việc gì ngoài cách xử lý duy nhất là đốt chúng đi. Thạc sĩ Bùi Trung Thành (ÐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh) đã giúp dân trồng mía bằng cách cho ra đời nhiều loại máy hữu ích: máy thu hoạch, máy bốc và mới đây là máy băm lá. Thành công này, không chỉ giúp người trồng mía tiết kiệm 40% phân bón, mà còn góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do thói quen đốt lá mía vào những ngày thu hoạch của người dân gây nên.

Máy băm lá mía do thạc sĩ Bùi Trung Thành thiết kế, chế tạo là đề tài thực hiện theo đơn đặt hàng của Sở Khoa học Công nghệ thành phố. Tuy nhiên, khi thạc sĩ Thành trình làng máy băm lá mía và đưa đi thực nghiệm thử ở một vài tỉnh, thành thì dù chưa kết thúc thời hạn nghiên cứu nhưng lập tức được khá nhiều các đơn vị trồng mía đặt mua. Người dân Tây Ninh khi sử dụng máy trên cánh đồng mía 20 ha tại Thành Long, Châu Thành đã thật sự rất hài lòng về hiệu quả của máy. Một số công ty ở Tuy Hòa, Bình Ðịnh cũng yêu cầu thạc sĩ Bùi Trung Thành cung cấp máy băm lá mía để phục vụ sản xuất. 

Máy băm lá mía của thạc sĩ Thành không phải là sản phẩm đầu tiên có mặt tại các cánh đồng mía của Việt Nam. Tuy nhiên anh đã thành công khi nghiên cứu và cho ra đời loại máy phù hợp hoàn toàn với điều kiện nóng ẩm, thu hoạch mía vào mùa khô của Việt Nam. Trên thực tế, đã rất nhiều nơi sử dụng các loại máy băm ngọn và lá mía tĩnh tại của Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Ðộ, máy băm vùi lá mía của Pháp... để giảm thiểu tình trạng phải đốt lá sau canh tác. Tuy nhiên, những loại máy của nước ngoài tỏ ra không phù hợp với điều kiện đồng mía của Việt Nam. Chẳng hạn, máy băm tĩnh tại của Ấn Ðộ, Trung Quốc, Nhật Bản chỉ có một quạt thổi, năng suất thấp, chỉ phù hợp với quy mô nhỏ. Máy băm vùi lá mía của Pháp thì được gắn với máy kéo (từ 80 đến 100 mã lực) thông qua ba hộp treo, rộng đến 2,4m, có thể làm việc cùng lúc với hai hàng mía. Tuy nhiên, máy này không hề có cơ cấu băm nhỏ lá mía, khi vùi lá phải mất nhiều thời gian lá mới hoai. Mặt khác, máy của Pháp chỉ làm việc được khi ruộng mía có độ ẩm cao, mà các cánh đồng mía của Việt Nam không có đủ điều kiện này. Máy băm lá mía của thạc sĩ Thành rộng 2,5m, liên hợp với máy kéo 4 bánh cho phép kết hợp với các máy nông nghiệp khác để thực hiện các khâu: đất trồng, rạch hom, chăm sóc, tuốt lá... Nhưng điều quan trọng hơn cả là máy của thạc sĩ Thành chế tạo có thể băm vụn 98% lá với kích thước nhỏ từ 5 đến 15 cm, lại phân bố đồng đều trên ruộng mía và giá thành của chiếc máy này lại rẻ hơn 70% so với giá nhập ngoại.