00:00 Số lượt truy cập: 2676885

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG: Thị trường cây giống cạnh tranh gay gắt 

Được đăng : 03/11/2016

Cũng như nhiều mặt hàng nông sản, thị trường cây giống ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) những năm qua biến động không ngừng theo nhu cầu phát triển và chịu chi phối bởi quy luật thị trường. Đặc biệt, yếu tố chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của các loại cây giống đã được nhà vườn chú ý.


Cạnh tranh gay gắt

Vài năm trở lại đây, phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở ĐBSCL diễn ra mạnh mẽ. Nhiều nhà vườn đã mạnh dạn chuyển diện tích trồng lúa năng suất thấp sang trồng cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao. Tính đến thời điểm này, toàn vùng có khoảng 300.000ha cây ăn trái, tăng 22.000ha so với năm 2005. Trong số này có gần 120.000ha trồng cây ăn trái đặc sản như bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, sầu riêng... tập trung ở các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bến Tre. Song song với việc tăng nhanh diện tích vườn, nhu cầu cây giống cũng trở nên cấp thiết.

Anh Hoàng Quân, cơ sở sản xuất cây giống Bảy ý, huyện Chợ Lách (Bến Tre), cho biết: “Thị trường cây giống ĐBSCL hiện đang cạnh tranh gay gắt. Nhiều cơ sở phải mở rộng thị trường ra miền Đông, miền Trung, Tây Nguyên... Nếu không chú trọng vấn đề chất lượng, tạo uy tín cho thương hiệu thì khó mà cạnh tranh được”. Khoảng hai năm trở lại đây, giá nhiều loại giống cây ăn trái trên thị trường liên tục giảm. Đơn cử, bưởi da xanh giảm 5.000 đồng /cây, ổi không hạt 3.000 - 5.000 đồng /cây, mít các loại 5.000 - 10.000 đồng /cây, xoài giảm 5.000 - 10.000 đồng /cây. Nguyên nhân chính là do sự nở rộ quá nhiều cơ sở sản xuất cây giống, trong khi nhiều loại trái cây trên thị trường không được giá khiến việc chuyển đổi sản xuất của nhà vườn. Mặt khác, để tăng tính cạnh tranh, nhiều cơ sở luôn tìm các giống cây mới, làm tăng sức ép giảm giá đối với các giống cây truyền thống. Anh Nguyễn Duy Hiền, chủ cơ sở sản xuất cây giống Duy Hiền ở huyện Chợ Lách cho biết: “Các loại giống cây mới đưa ra thị trường giá thường cao, từ 20.000 - 25.000 đồng /cây, tùy loại. Tuy nhiên, mức giá này cùng lắm chỉ giữ được 1-3 năm đầu, từ năm thứ 4 trở đi sẽ giảm do có nhiều giống mới, với ưu thế nổi trội về năng suất, chất lượng thay thế”.

Một số loại cây giống sẽ hút hàng

Hiện trên thị trường các loại giống cây trồng mới có mức giá khá cao: dừa xiêm lùn 20.000 - 25.000 đồng /cây, ổi ruột tím 20.000 đồng /cây, chanh ôtxtrâylia không gai 20.000 đồng /cây, xoài tứ quý 15.000 - 20.000 đồng /cây. Xoài cát Hòa Lộc, mít ruột đỏ, mít nghệ, măng cụt, vú sữa Lò Rèn, vú sữa bơ... dao động từ 8.000 đến 15.000 đồng /cây. Theo dự báo của các cơ sở sản xuất, trong năm 2007, giá các loại cây giống trong khu vực khá ổn định, riêng sầu riêng, xoài tứ quý, chanh ôtxtrâylia... sẽ hút hàng.

Từ đầu năm đến nay, cây giống sầu riêng các loại trên thị trường sốt nhẹ. Các loại sầu riêng cơm vàng hạt lép, monthoong, cơm sữa hạt lép... đang được tiêu thụ mạnh, giá dao động 15.000 - 20.000 đồng /cây, tăng khoảng 5.000 đồng /cây so với năm ngoái. Anh Nguyễn Hồng Lĩnh, HTX Nông nghiệp và Xây dựng Phú Lợi (Châu Thành A - Hậu Giang) cho biết: “Nhu cầu trồng sầu riêng hiện nay rất cao, nhiều lúc cung không đủ cầu. Bởi ở các tỉnh miền Đông, miền Trung do trồng điều hiệu quả không cao, nhiều nhà vườn chuyển sang trồng sầu riêng. Trong khi đó, những năm qua trái sầu riêng trên thị trường không được giá, nhiều cơ sở không ươm gốc ghép. Khi giá sầu riêng tăng nhẹ, nhu cầu trồng tăng nên cây giống trên thị trường “sốt” nhẹ”.

Xoài tứ quý xuất hiện hơn 3 năm trở lại đây, nhiều nhà vườn đã qua giai đoạn trồng thử nghiệm và đang nhân nhanh diện tích. Tuy đang trong giai đoạn trồng thăm dò, nhưng chanh ôxtrâylia tỏ ra khá thích nghi và giá cả trên thị trường rất hấp dẫn: trên dưới 20.000 đồng /kg. Dự báo đầu ra của cây ổi không hạt, anh Nguyễn Duy Hiền cho biết: “Theo Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, trồng ổi trong vườn cây có múi sẽ hạn chế được bệnh vàng lá gân xanh. Vì vậy, thời gian tới, giống ổi, nhất là ổi không hạt sẽ hút hàng”.

Nhiều người cho rằng: “Thị trường cây giống ở ĐBSCL cũng cạnh tranh và chịu sự bấp bênh không thua gì trái cây nội. Tuy nhiên, thị trường trái cây nội không phải không có đầu ra, mà cái chính là chưa đáp ứng được đòi hỏi, tiêu chuẩn của người tiêu dùng trong nước cũng như nhu cầu xuất khẩu. Vì thế, việc nâng cao kỹ thuật sản xuất, tìm các giống cây trồng có khả năng thích nghi cao, tạo ra những sản phẩm trái cây có chất lượng, nâng cao giá trị trái cây qua chế biến là hướng phát triển lâu dài cho vùng cây ăn trái ĐBSCL.