Sau 3 năm triển khai chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (2006 – 2008), bước đầu vùng rau hoa Đà Lạt đã đem lại những kết quả đáng phấn khởi, góp phần làm thay đổi diện mạo nền nông nghiệp thành phố. Theo UBND thành phố Đà Lạt, 3 năm qua thành phố đã triển khai chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo từng giai đoạn với nhiều mô hình để giới thiệu, hướng dẫn cho nông dân từng bước áp dụng với mục tiêu: tổ chức lại sản xuất, thay thế dần tập quán sản xuất truyền thống, từng bước hình thành vùng sản xuất rau, hoa theo hướng công nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong tất cả các khâu từ sản xuất đến kinh doanh. Cụ thể, đã tiến hành quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại một số phường xã, tiến hành xây dựng mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các cơ sở nhân giống với quy trình kỹ thuật nuôi cấy mô và quy trình kỹ thuật ghép, nhân giống đạt tiêu chuẩn. Đồng thời xây dựng mạng lưới sản xuất cây giống sạch bệnh, chất lượng cao đáp ứng cho việc sản xuất đại trà. Từ những mô hình thử nghiệm ban đầu, đến nay đã có nhiều hộ nông dân ở các phường học tập, áp dụng và đã chuyển đổi được 160 ha sản xuất rau kém năng suất sang sản xuất hoa với nhiều chủng loại, trong đó có nhiều hộ đạt hiệu quả cao.
Đà Lạt hiện có 9.570 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó 3.800 ha canh tác rau hoa các loại, hằng năm cung cấp cho thị trường tiêu dùng khoảng 220 ngàn tấn rau các loại và trên 650 triệu cành hoa. Về cơ bản, 95% sản phẩm rau quả của Đà lạt đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng. Riêng trên lĩnh vực rau cao cấp, trong 3 năm 2006 – 2008, đã có 110 ha canh tác rau cung cấp nguyên liệu sạch cho các đơn vị kinh doanh rau cao cấp trên địa bàn. Nhiều giống rau mới được tổ chức sản xuất ở qui mô lớn trên nhiều vùng sản xuất như bắp cải tím tại phường 11, 12; xà lách côrôl ở phường 7, phường 8; ớt ngọt ở phường 9, phường 11 hay cần tay và poarô ở phường 7. Đây có thể được coi là một bước tiến vượt bậc của nông nghiệp thành phố. Đà Lạt hiện là địa phương được đánh giá dẫn đầu cả nước trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Năng suất cây trồng nâng lên 10%/vụ, hiệu quả sử dụng đất tăng từ 2,5vụ/năm. Chất lượng sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường tiêu dùng và tham gia xuất khẩu sang một số nước trong khu vực. Lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong sản xuất giảm trên 15%/năm. Cơ cấu sử dụng phân bón đang dịch chuyển dần sang hướng sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân bón không gây hệ lụy cho đất và môi trường. Hiện Đà lạt có 20% diện tích canh tác rau hoa có điều khiển cho thu nhập cao gấp 3 lần trồng theo phương pháp truyền thống. Điều tra của Phòng Kinh tế thành phố cho thấy, đối với cây rau sản xuất theo hướng an toàn, doanh thu bình quân đạt từ 150 triệu đồng /ha/năm, tăng trung bình 40 triệu đồng/năm so với trước đây. Còn đối với các loại cao cấp, doanh thu bình quân đạt từ 350 triệu đồng/ha/năm, tăng 120 triệu đồng. Tương tự đối với cây hoa, trồng ứng dụng công nghệ cao thì doanh thu bình quân đạt 350 triệu đồng/ha/năm, tăng 150 triệu. Cá biệt có một số hộ đã đầu tư kỹ thuật cao trồng các loại hoa Lyly, Kiết Tường cho doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/ha.
Tuy nhiên, do mức đầu tư cho ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao rất lớn – khoảng 2 tỉ đồng /ha, trong khi đa số hộ nông dân lại gặp rất nhiều khó khăn về vốn, nên việc đầu tư sản xuất không đồng bộ do vậy hiệu quả sản xuất mang lại chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Mặt khác, do một số đơn vị liên quan như Hiệp hội rau quả Đà Lạt, các HTX nông nghiệp chưa đáp ứng được các nhu cầu về thông tin thị trường, tiêu thụ sản phẩm… nên nhiều hộ dân dù rất muốn đầu tư nông nghiệp công nghệ cao một cách đồng bộ, đúng tiêu chuẩn kỹ thuật để sản xuất các loại rau, hoa nhưng vẫn còn e ngại…