Dám nghĩ, dám làm... với một chút liều!
Được đăng : 03/11/2016
Về công tác ở xã Đồng Lạc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương trong những ngày giữa tháng 5, chúng tôi được bà con kể cho nghe nhiều chuyện làm giàu từ mô hình làm kinh tế VAC của anh Trần Đình Hà ở thôn Trụ Hạ. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê thuần nông, nghèo khó thuộc xã Đồng Lạc, tuy mới 35 tuổi nhưng anh Hà đã từng trải qua rất nhiều công việc tìm kế mưu sinh. Mỗi vụ nông nhàn anh lại đi khắp nơi trong tỉnh để mua trâu về bán cho bà con nông dân trong và ngoài xã. Vất vả là vậy mà kinh tế gia đình anh vẫn không khấm khá lên được.
Nhiều năm trăn trở, suy tư, anh quyết định dồn sức làm giàu ngay tại quê hương dù rằng đang rất khó khăn. Năm 2004, anh bàn với vợ là chị Đỗ Thị Hoa mạnh dạn nhận hơn 3 mẫu đất chuyển đổi ở khu Đồng Rồ của thôn Trụ Hạ để vừa cấy lúa vừa đào ao thả cá. Một năm đầu cấy lúa thấy hiệu quả sản xuất thu được không cao, anh quyết định đầu tư công sức cải tạo đất, đào đắp thùng vũng thành những khu ao thả cá, kết hợp trồng chuối và cỏ. Sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng, anh dành 4 sào để nuôi cá thương phẩm, 2 sào nuôi cá giống (các loại cá: chép lai, cá trôi, cá mè, cá trắm cỏ) và 1 mẫu đất trồng hơn 1.000 khóm chuối tây xen lẫn là cỏ voi. Một vài tháng sau, anh Hà đã biến khu chiêm trũng thành một trang trại VAC. Tận dụng nguồn cỏ voi sẵn có làm thức ăn cho cá lại thêm có chút ít kinh nghiệm chăn nuôi đã tích luỹ được, công việc nuôi cá của anh diễn ra suôn sẻ. Sau gần một năm gia đình anh hồi hộp thu hoạch lứa cá đầu tiên. Thật bất ngờ sau khi thu hoạch lãi được hơn 30 triệu đồng - số tiền mà trước đây gia đình anh nằm mơ cũng không có được và số lãi này cứ tăng dần qua những năm sau. Không những thế thu nhập từ hơn 1.000 khóm chuối tây đã giúp gia đình anh có thêm vốn tích luỹ làm ăn lớn. Từ chỗ đời sống kinh tế khó khăn đến nay gia đình vợ chồng anh Hà - chị Hoa đã có bát ăn, bát để.
Khi công việc đã dần đi vào ổn định, anh Hà dành thời gian đi thăm quan các mô hình kinh tế điển hình trong và ngoài xã. Qua đó, anh học hỏi được thêm kỹ càng về cách nuôi cá. Năm 2007, với nguồn vốn sẵn có, anh Hà tiến hành xây dựng hệ thống ao, đắp bờ ao để trồng thêm cây chuối tây. Đồng thời, anh đã mở rộng diện tích nuôi cá thương phẩm lên 6 sào và thêm 2 sào cá giống để phục vụ nhu cầu nuôi cá của bà con trong vùng. Hàng năm, ao cá được anh tát kiệt nước vào mùa khô, rồi phơi và rắc vôi cẩn thận để đảm bảo vệ sinh môi trường đáy ao. Hai năm một lần, anh cho nạo vét, hút bùn để tránh bồi lắng trong ao; đắp bùn vào những khóm chuối, để cây chuối phát triển tốt... Nhờ cách làm bài bản này, mỗi năm gia đình anh thu hoạch được hơn 10 tấn cá thịt, xuất hơn 3 tấn cá giống và thu hoạch mấy trăm buồng chuối tây, thu lãi hơn 100 triệu đồng. Khi hỏi về "bí quyết" đã làm nên thành công của mình, anh Hà khiêm tốn nói, phải dám nghĩ, dám làm, siêng năng cần cù, cộng với một chút... liều! Một điều rất quan trọng nữa là để thu hoạch đạt được hiệu quả cao cần phải chọn được giống tốt, năng suất cao, phải bảo đảm thời gian cho cá ăn; đặc biệt là phải biết vệ sinh ao sạch sẽ trước khi thả cá, nhằm tránh ô nhiễm môi trường nước thì cá mới nhanh lớn.
Trở thành một chủ trang trại khá thành công trong sản xuất, anh Trần Đình Hà đã hỗ trợ các hộ nông dân trong xã qua việc cấp giống cá không lấy lãi và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá... Từ một khu đất chiêm trũng, sau hơn 5 năm kiên trì cải tạo, nuôi trồng, với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 300 triệu đồng, mô hình kinh tế VAC của anh đã phát triển ổn định và có hiệu quả thiết thực. Anh dự tính cuối năm này, sẽ tiếp tục đầu tư thêm hơn 100 triệu đồng để xây dựng hệ thống chuồng lợn với quy mô 30 con/lứa; nhận thêm 1 mẫu đất ven sông để trồng củ cải đường và cà rốt./.