00:00 Số lượt truy cập: 3234142

Đập Đá, đất đa nghề 

Được đăng : 03/11/2016
Thị trấn Đập Đá (An Nhơn - Bình Định) có 7 khu dân cư thì có đến 7 làng nghề, trong đó, 2 làng được Nhà nước công nhận là làng nghề truyền thống. Đất này, từ già trẻ, gái trai, ai cũng có việc làm những lúc nông nhàn...

Đi đâu cũng “đụng” làng nghề, đó là cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến Đập Đá. Thị trấn nhỏ rộn ràng hơn bởi không khí bận rộn, đâu đâu cũng vang âm điệu sôi nổi của làng nghề…

Theo tiếng quai búa chan chát, chúng tôi đến làng rèn Tây Phương Danh. Khoảng thế kỷ XV đến thế kỷ XVII, vùng đất hoang sơ này đã tiếp nhận dòng người từ miền Bắc vào khai hoang, lập làng và đã mang theo nghề rèn đến đây. Tương truyền, ông tổ của làng rèn là ông Đào Dã Tượng. Cuối thế kỷ XVIII, nghĩa quân Tây Sơn chọn làng làm nơi sản xuất nông cụ và vũ khí chiến đấu. Hiện, Tây Phương Danh có hơn 300 hộ làm nghề, với 1.700 lao động, mỗi lò chỉ sản xuất một vài sản phẩm. Như hộ ông Nguyễn Hợi chuyên làm rựa; ông Lê Hào chuyên sản xuất liềm hái; ông Trần Văn Thảo chuyên làm bay thợ nề; … Chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Đức Bút. Anh cho biết: “Vợ chồng tôi chuyên làm nạo dừa, khuôn đúc bánh xèo và bẫy chuột. Chỉ hai vợ chồng nhưng mỗi ngày có thể làm được 1.000 cái nạo dừa; 100 khuôn đúc bánh xèo; trừ chi phí, lãi khoảng 200.000 đồng”.

Ngoài làng rèn Tây Phương Danh, làng đúc đồng Bằng Châu cũng được nhà nước công nhận là làng nghề truyền thống. ông Trần Néo (3 đời làm nghề đúc đồng) cho biết: “Bà Hoàng Sanh, vợ vua Thành Thái là con gái của một gia đình thợ đúc ở Bằng Châu. Cha bà Sanh là nghệ nhân đúc tài hoa nên được vua triệu về cung đúc tiền. Bà Hoàng Sanh theo cha ra Huế, nhan sắc mặn mà giúp bà trở thành mẫu nghi thiên hạ… Nghề đúc đồng ở Bằng Châu có từ rất lâu đời và đã có một thuở vàng son”. Hiện làng đúc Bằng Châu còn hơn 30 hộ theo nghề. Sản phẩm đúc giờ không chỉ là lưỡi cày, lư hương mà đã “nâng tầm” đúc máy bơm nước, cốt máy và chân vịt tàu thuỷ cung cấp cho cả nước.

“Niên đại” của làng dệt Nam Phương Danh ở thị trấn Đập Đá cũng khá “dày” và từng “vang bóng” với những sản phẩm lương bùng“,dệt lãnhd, lụa đậu đôi, đậu ba, đậu tư… nổi tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc. Trong kháng chiến chống Pháp, làng dệt đã cung cấp vải cho bộ đội khắp chiến trường khu V. Sau ngày giải phóng, những khung dệt ở đây chuyển sang dệt thổ cẩm cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền Tây Thừa Thiên - Huế. Sau một thời gian bị gián đoạn, gần đây, người dân các địa phương này lại tìm về đặt hàng nên nghề dệt thổ cẩm ở đây được đánh thức... Hơn 20 hộ dân còn bám vào khung dệt ở Nam Phương Danh vẫn đang yên tâm sống với nghề truyền thống.

Làm chu (chân) nhang ở Bả Canh cũng là nghề ăn nên làm ra của 240 hộ dân với 1.500 lao động. Về Bả Canh, từ góc nhà, mé vườn, đâu đâu cũng thấy người ngồi chẻ chân nhang. Tại làng nón Mỹ Hoà, ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh cần mẫn tương tự nhưng lao động hầu hết là nữ . Hơn 60 hộ dân và 140 thôn nữ ở đây đang sử dụng thời gian nông nhàn bằng công việc chằm nón. Điều đặc biệt là nón lá Mỹ Hoà không cung cấp cho người mà lại dùng cho những… cây bắp sú. Các nhà vườn ở Đà Lạt (Lâm Đồng) mua nón lá Mỹ Hoà về che mưa nắng cho bắp sú. Chị Nguyễn Thị Thái cho biết: “Xong mùa màng chị em chúng tôi lại chằm nón. Một ngày có thể chằm được chục cái, mỗi cái bán được 5.000 đồng".

Thị trấn Đập Đá còn là “cái nôi” của nghề làm nước mắm ở Bình Định. Địa phương hiện có 17 cơ sở sản xuất nước mắm, ngoài cung cấp cho người tiêu dùng trong nước, sản phẩm còn có mặt tại nhiều nước trong khu vực. Người dân Bắc Phương Danh không chịu “kém chị thua em”, họ cũng tạo riêng cho mình một nghề, đó là nghề làm bánh hỏi. Chẳng cần đi đâu xa, sản phẩm của làng chỉ cung cấp cho các làng nghề chung quanh cũng đã “cháy hàng”.

ông Nguyễn Giác, Chủ tịch UBND thị trấn Đập Đá cho biết: “Ngoài các hộ dân tổ chức làm nghề tại nhà, những làng nghề ở Đập Đá đã hình thành nên cụm công nghiệp Đá Trắng với trên 52 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút gần 1.000 lao động địa phương. Người dân ở đây ai cũng có thể kiếm sống tại quê hương, có lẽ đây là địa phương có số lao động "ly hương" ít nhất ở Bình Định”.