00:00 Số lượt truy cập: 3234048

Đất '3 vụ' 

Được đăng : 03/11/2016
Nhiều người ví von gọi xã Phú Thịnh (Kim Động - Hưng Yên) là đất "3 vụ" bởi bà con "dám" bỏ hai vụ lúa, chuyển sang trồng 3 vụ màu. Và sự "liều lĩnh" này đã giúp cuộc sống của người dân ngày càng khởi sắc.

Ông Nguyễn Khắc Hợp, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Năm nay, diện tích cấy lúa xuân của xã giảm so với những năm trước do chúng tôi tập trung chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng. Thực tế đã có những mô hình chuyển từ đất 2 lúa + 1 màu sang sản xuất 3 vụ màu, hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ hiệu quả thực tế của mô hình trên, chúng tôi quyết định khuyến khích bà con chuyển các chân ruộng cấy lúa 2 vụ năng suất thấp sang làm 3 vụ màu, chủ yếu là ngô xuân hè, đậu xanh hoặc đậu tương hè thu, ngô thu đông, dưa”.

Đến giờ, người dân Phú Thịnh vẫn “bàn tán” về ông Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Nguyễn Văn La - người đã mạnh dạn đi đầu trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hồi đó, nhiều bà con còn ngại hoặc không tin mình có thể làm giàu từ đồng đất vốn bao đời nay chỉ cho đủ hạt gạo ăn. Thế nhưng, ông La đã chứng tỏ điều ngược lại. Vụ đông năm 2002, ông nhận thầu 8 mẫu đất (1 mẫu = 3.600m2) bỏ hoang của xã để trồng đậu tương. Thấy ông thu được 4 tấn đậu, nhiều người hăng hái làm theo. Ông La nghĩ: nếu chỉ trồng đậu tương thì không bao giờ khá được, vậy là ông bắt tay trồng cà chua mini, dưa chuột, cùng chính quyền xã hướng dẫn bà con tận dụng tối đa diện tích đất trống trồng màu ở cả vụ đông và vụ xuân. Để vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, HTX mở các lớp tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc rau màu, cung ứng giống, phân bón và ký hợp đồng với Công ty cổ phần Chế biến Nông sản Hải Dương bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Với những giải pháp đồng bộ, năm 2006, Phú Thịnh đã chuyển đổi được 50 mẫu từ 2 vụ sang 3 vụ, năm 2007 tiếp tục chuyển đổi thêm 60 mẫu, nhiều nhất là ngô. Ông Hợp tiết lộ: “Bây giờ người dân Phú Thịnh có thể chủ động được lượng ngô hạt phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi, đồng thời cung cấp hàng trăm tấn đậu xanh cho công nghiệp thực phẩm”.

Hiện, bà con Phú Thịnh đã chuyển hẳn sang làm 3 vụ màu ăn chắc với công thức luân canh: ngô xuân hè + đậu xanh hè thu + ngô thu đông, thậm chí, còn có 4-5ha luân canh 4 vụ/năm (dưa xuân + ngô hè thu + đỗ thu đông + ngô đông), góp phần nâng mức thu nhập lên gấp đôi so với độc canh cây lúa. Chị Nguyễn Thị Mai ở đội 4 (thôn Trung Hoà) hồ hởi cho biết: “Với 2, 5 sào (1 sào = 360m2) đỗ, gia đình tôi thu hoạch 180kg, bán được 2 triệu đồng, cộng với vụ ngô trước cho 8 tạ, trị giá 2,6 triệu đồng. Riêng thu hoạch 2 vụ đã lãi gấp rưỡi so với cấy lúa. Vụ ngô tới gia đình tôi sẽ có thu khoảng 2, 6 triệu đồng”. Theo chị Mai, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng như vậy vừa đơn giản, ít tốn công, thu nhập lại tăng. Nếu trồng lúa ở những chân ruộng này, năm bội thu nhất cũng chỉ được 2 tạ/sào, lãi khoảng 300.000 đồng, nhưng trồng ngô cho năng suất bình quân 3 tạ/sào, trừ chi phí, lãi 600.000 đồng/sào. Nếu trồng đậu xanh, bà con có thể thu lãi cao hơn do thời gian thu hoạch ngắn (khoảng 70 ngày).

Có thể nói, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mùa vụ ở Phú Thịnh không chỉ góp phần tăng thu nhập mà còn là động lực thúc đẩy phát triển chăn nuôi, thay đổi căn bản tập quán canh tác cũ (đầu tư cao, hiệu quả thấp), rải vụ sản xuất, giảm lực lượng lao động. Hiện, bình quân giá trị canh tác ở Phú Thịnh đã đạt 41,5 triệu đồng/ha, tăng 1,5 triệu đồng so với năm 2007, trong đó xuất hiện những cánh đồng cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm.