00:00 Số lượt truy cập: 3235143

Đất trồng rừng nguyên liệu phục vụ giấy Bãi Bằng còn nhiều vướng mắc 

Được đăng : 03/11/2016

Phú Thọ là tỉnh có ngành công nghiệp giấy phát triển sớm và quy mô lớn, đáng kể nhất là nhà máy giấy Bãi Bằng hiện đại nhất nước ta.


Sau gần 30 năm đi vào sản xuất, qua mở rộng giai đoạn 1 hiện nay giấy Bãi Bằng đã đạt công suất bột trên 50.000 tấn, giấy 100 ngàn tấn. Hiện nay Tổng công ty giấy Việt Nam đang tiến hành mở rộng giai đoạn 2 đưa tổng công suất giấy Bãi Bằng lên trên 300 ngàn tấn. Để thực hiện mục tiêu này ngoài vấn đề vốn xây dựng, kỹ thuật hình thành vùng nguyên liệu là nội dung quan trọng phải được xúc tiến ngay từ bây giờ để đến năm 2013 khi hoàn thành mở rộng giai đoạn 2 có gỗ phục vụ sản xuất. Từ nhiều năm nay đất cho trồng rừng nguyên liệu đã được Chính phủ, Tổng công ty giấy Việt Nam và các địa phương gồm: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La triển khai, song đến năm 2008 nhiều vấn đề tồn tại vẫn chưa được tháo gỡ. Ngay tại tỉnh ta nơi có trung tâm giấy Bãi Bằng vấn đề đất cho trồng rừng vẫn là vấn đề có nhiều vướng mắc.

Sau khi rà soát lại 3 loại rừng hiện có trên địa bàn toàn tỉnh xác định được trên 147.000ha đất rừng sản xuất có 13 huyện, thành, thị, tập trung nhiều ở Yên Lập gần 23.000ha, Thanh Sơn, Tân Sơn trên 75.000ha, Hạ Hòa gần 1.5000ha, Cẩm Khê trên 5.500ha, Thanh Ba gần 4.500ha, các địa phương khác có từ vài trăm tới 2-3 ngàn ha. Về mặt lý thuyết toàn bộ diện tích này đã được giao cho các doanh nghiệp, đơn vị và hộ dân. Nhiều nhất là 9 công ty lâm nghiệp thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam với tổng số trên 26.000ha. Quỹ đất phục vụ cho trồng rừng sản xuất bao gồm rừng cây nguyên liệu giấy, cây lấy gỗ, cây công nghiệp dài ngày trên địa bàn tương đối phong phú song cách thức quản lý và sử dụng rất phân tán, phức tạp.

Ngay như các Công ty lâm nghiệp mặc dù đã được tỉnh cấp bìa đỏ từ những năm 1980-1990 nhưng đến nay tình trạng trồng lấn, xen canh, tranh chấp ngay trên cùng một mảnh đất vẫn diễn ra ở khắp 9 đơn vị. Nhiều nhất Yên Lập là công ty lâm nghiệp Xuân Đài, Tam Sơn, Amai, Tam Thắng, Thanh Hòa, Sông Thao. Một số đơn vị như Tam Sơn, Amai, Xuân Đài, Tam Thắng diện trồng lấn ảnh hưởng rất lớn tới công ty quy hoạch, trồng bảo vệ rừng nguyên liệu giấy. Đồng chí giám đốc Công ty lâm nghiệp Tam Sơn cho biết: Do lịch sử để lại, Công ty lâm nghiệp Tam Sơn được hình thành từ 3 lâm trường quốc doanh trước đây. Việc xác định ranh giới, giao cụ thể trên thực địa không rõ, cộng với việc quản lý cấp bì đỏ của huyện Thanh Sơn trước đây không chặt chẽ nên tình trạng chống lấn, tranh chấp xã nào cũng có.

Nhiều diện tích đất của lâm trường nhưng khi thiết kế, trồng rừng vẫn không được. Thậm chí có chỗ còn phải thuê lại đất của mình để trồng rừng. Việc này tạo thế bất lợi cho bố trí trồng rừng liền khoảnh, quản lý bảo vệ. Tương tự như vậy các công ty lâm nghiệp Xuân Đài, Yên Lập, Amai cũng thường xuyên phải đối mặt với việc dân lấn đất của lâm trường. Ở Công ty lâm nghiệp Yên Lập gần đây, các xã Phúc Khánh, Ngọc Lập dân còn phá rừng trồng, đòi lại đất của lâm trường đã thiết kế trồng rừng. Khi xử lý huyện lại “ủng hộ” chủ trương này tạo thành tiền lệ để dân đòi lại đất công đã giao cho doanh nghiệp.

Do thiếu đất để tổ chức sản xuất, nhiều năm qua các Công ty lâm nghiệp trên địa bàn đều có diện tích trồng mới đạt thấp. Năm 2008 các công ty chỉ trồng được 2.000/3.500ha kế hoạch, kể cả phần phải thuê đất ở một số tỉnh ngoài. Cũng do thiếu đất trồng mới nên các công ty phải tận dụng đất rừng vừa khai thác đưa vào trồng chu kỳ sau làm cho năng suất rừng thấp vì không có thời gian nghỉ. Để thực hiện chủ trương cam kết của tỉnh với Chính phủ, Tổng công ty giấy Việt Nam trong thời gian tới các ngành, địa phương cần xúc tiến một số việc: Trước hết cần bổ sung trả lại cho các công ty lâm nghiệp gần 6.800ha đất rừng phòng hộ Công ty bàn giao cho tỉnh để đảm bảo đủ trên 33.000ha đất các Công ty lâm nghiệp đã được cấp bìa đỏ phục vụ cho yêu cầu trồng rừng.

Hiện tại sau rà soát 3 loại rừng quỹ đất này ở các địa phương còn nhiều, nhất là khu vực Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn. Đa số diện tích này giao cho hộ dân quản lý, khai thác không hiệu quả, thậm chí nhiều nơi không sản xuất vì không có vốn và kỹ thuật, lao động. Vấn đề nữa là cần tập trung giải quyết dứt điểm việc tranh chấp trên phần đất đã giao cho các công ty lâm nghiệp. Việc này ở địa phương nào cũng có, song do chính quyền huyện, xã thiếu quan tâm, kiên quyết nên nhiều nơi dân “lấn tới”, chây ì, thậm chí còn chống lại cả quyết định tòa án có hiệu lực.

Cuối cùng là việc xem xét giao tiếp cho Tổng công ty giấy trên 20.000ha để đủ 60.000ha phục vụ cho giấy Bãi Bằng. Phần đất này cần chỉ đạo quy hoạch xác định rõ gianh giới, việc giao quyền sử dụng sẽ do các công ty lâm nghiệp và hộ dân các xã, phối hợp để quản lý khai thác, có vậy mới đảm bảo cho yêu câu mở rộng giấy Bãi Bằng giai đoạn 2.