Thưa Bộ trưởng, vượt qua nhiều gian khó, năm 2010, ngành Nông nghiệp và PTNT đã gặt hái được nhiều thành công. Điều gì khiến Bộ trưởng cảm thấy hài lòng nhất trong năm qua?
2010 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch 5 năm (2006-2010), ngành Nông nghiệp và PTNT phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đầu năm khô hạn xảy ra gay gắt trên diện rộng ở miền Bắc và miền Trung; nước mặn xâm nhập sâu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); tháng 10 - 11 liên tục xảy ra 3 trận lũ lớn ở miền Trung; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi xảy ra ở nhiều địa phương với diễn biến phức tạp; nạn cháy rừng và khai thác rừng trái phép chưa được giải quyết dứt điểm; giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao...
Tuy nhiên, được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực của toàn ngành trong việc triển khai Nghị quyết số 03/NQ-CP và Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2010 nên nông nghiệp, nông thôn nước ta tiếp tục phát triển khá toàn diện, nhiều chỉ tiêu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2009, vượt mức kế hoạch 5 năm (2006-2010). Tốc độ tăng trưởng của ngành năm 2010 đạt 2,8% (năm 2009 là 1,83%; bình quân tăng 4,93%/năm).
Đáng chú ý là xuất khẩu nông sản năm qua đại thắng trên nhiều ngành hàng, nhiều lĩnh vực dù các rào cản gặp phải tương đối nhiều. Thị trường tiêu thụ được mở rộng đến 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch đạt 19,15 tỷ USD. Bên cạnh đỏ, hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân nông thôn tiếp tục được cải thiện; năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai từng bước được nâng cao...
Có thể đánh giá: ngành nông nghiệp năm qua phát triển toàn diện, được mùa, được giá. Tất cả những thành tựu này đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bộ trưởng có thể cho biết các mục tiêu mà ngành đề ra trong năm 2011?
Năm 2011 có ý nghĩa rất quan trọng bởi là năm đầu tiên triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020), triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và là năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Vì vậy, mục tiêu chủ yếu của ngành trong năm 2011 là nỗ lực phấn đấu, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nhằm duy trì mức tăng trưởng cao để góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế, kiềm chế lạm phát; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và sức cạnh tranh. Triển khai nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn, nhất là người nghèo. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP của ngành đạt 3,5%; tốc độ tăng giá trị sản xuất 4,5-5%; sản lượng lúa 39 triệu tấn; tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm còn 11%; tỷ lệ che phủ rừng 40%..., trên cơ sở tập trung ưu tiên nguồn lực cho các sản phẩm chủ lực như cá tra, tôm nước lợ, lúa gạo, cao su, càphê, điều, hạt tiêu, lạc, đậu tương, chăn nuôi lợn, gia cầm, bò thịt. Giữ mức 7,37 triệu hecta lúa, năng suất bình quân trên 53,1tạ/ha; bảo đảm đủ lúa gạo cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên 6 triệu tấn.
Nâng cao mức sống cho người dân nông thôn, tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo không chỉ là nhiệm vụ của ngành mà còn là mục tiêu chính trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để làm tốt nhiệm vụ đó, ngành đã có những giải pháp gì, thưa Bộ trưởng?
Đúng thế. Mục tiêu đến năm 2015 cả nước phải có 20% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới, giảm tỷ lệ hộ nghèo nông thôn xuống còn 7%, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 95%, tỷ lệ dân cư nông thôn có hố xí hợp vệ sinh đạt 85%...
Để đạt được mục tiêu này, trong năm 2011, chúng tôi tiếp tục điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng phát triển các ngành hàng có lợi thế. Riêng với lúa gạo ĐBSCL, sẽ tập trung cao hơn cho những mùa vụ đem lại năng suất và chất lượng, cụ thể là vụ đông xuân và thu đông. Mặt khác, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhất là khâu giống, nhằm giúp bà con nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất.
Đồng thời tiếp tục thực hiện tốt chương trình xây dựng hệ thống hạ tầng; phối hợp với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, các ngành liên quan triển khai tốt chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, làm cơ sở thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Trong khi các nước tiên tiến đã hướng đến nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhưng nông nghiệp nước ta vẫn khó cơ giới hóa, hiện đại hoá. Bộ đã có cách nào để xóa hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”?
Quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản thời gian qua đã được lựa chọn là tập trung vào những loại cây, con thế mạnh, dựa trên lợi thế của từng vùng, miền. Những sản phẩm xuất khẩu chủ yếu (cao su, gạo, càphê, hạt tiêu, thủy sản, đồ gỗ) đều là những hàng hóa có sức cạnh tranh cao, chiếm vị thế quan trọng trên thị trường quốc tế. Hiện đại hóa nông nghiệp – nông thôn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới, đây cũng là mục tiêu xuyên suốt trong Nghị quyết 26-NQ/TW và để thực hiện thắng lợi Nghị quyết này cũng như xây dựng nông nghiệp, nông thôn ngày càng hiện đại, đòi hỏi phải có hệ thống giải pháp toàn diện, đồng bộ và hiệu quả, cộng với những bước đi phù hợp với quy luật kinh tế thị trường.
Theo đó, Bộ đã đưa ra các giải pháp cụ thể, đó là rà soát quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng khai thác tối đa lợi thế so sánh của từng vùng sinh thái, từng loại sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến và áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế. Song song với đó là phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, trong đó ưu tiên cho phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, vật nuôi và thủy sản theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng; triển khai rộng rãi quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP; triển khai chương trình cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50% vào năm 2020.
Thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm khuyến khích mạnh mẽ đầu tư của các doanh nghiệp trong nông nghiệp, nhất là doanh nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, coi đó là đầu tàu hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, làm ra sản phẩm chất lượng cao gắn với thị trường.
Mặc dù đã rất cố gắng song nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, mâu thuẫn lớn nhất của ngành lâu nay chính là quy mô sản xuất nhỏ, trong khi thị trường lớn. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?
Đây là một vấn đề lớn, lâu dài mà thực tế thời gian qua chúng ta đã phải lao tâm, khổ tứ để khắc phục. Để tiếp tục giải quyết mâu thuẫn này, ngành Nông nghiệp và PTNT đang tập trung rà soát và điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung dựa vào lợi thế của từng vùng; khuyến khích và hỗ trợ nông dân dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để hiện đại hóa sản xuất; hỗ trợ thực hiện cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch; đẩy mạnh liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ.
Nhân dịp năm mới, Bộ trưởng có nhắn nhủ gì tới bà con nông dân?
Kính chúc bà con năm mới dồi dào sức khỏe, an khang thịnh vượng; sản xuất đại thắng, tạo ra những sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...
Xin cảm ơn Bộ trưởng! Chúc Bộ trưởng và gia đình năm mới sức khỏe, hạnh phúc. Chúc ngành Nông nghiệp và PTNT hoàn thành vượt mức mục tiêu đề ra!