00:00 Số lượt truy cập: 3234121

Để vải thiều không 

Được đăng : 03/11/2016
Những năm trước, người trồng vải Bắc Giang luôn lo lắng khi giá liên tục giảm. Thế nhưng năm nay, khi vải thiều được giá, họ lại tiếc nuối vì không đủ hàng để bán bởi vụ này năng suất, sản lượng thấp. Quy luật mất mùa, được giá một lần nữa khiến nông dân lao đao.

“Khát vải” để bán

Chúng tôi có mặt ở huyện Lục Nam khi bà con đang cố thu hoạch vải sớm để bán trong lúc giá cao. Vừa mải miết vặt vải, bà Phan Thị Toan ở thôn Đồn Gai, xã Chu Điện tâm sự: “Gia đình tôi có 4 sào vải thiều. Đầu vụ, vải chất lượng trung bình cũng bán được với giá 7.000 - 8.000 đồng /kg. Năm nay, vải được giá, nhưng không có hàng bán. Những vụ trước, quả sai trĩu cành nhưng năm nay chỉ thưa thớt, nhiều cây không đậu quả”.

Cũng như gia đình bà Toan, nhiều gia đình khác cùng chung tình cảnh trên. Không còn hình ảnh vải ế ẩm như mọi năm, năm nay thương lái đã đến từng gia đình để mua. Huyện Lục Nam có khoảng 4-5 loại vải sớm, do chất lượng khác nhau nên giá bán cũng có sự chênh lệch. Trong đó, giống U hồng, U trứng, Thanh Hà có giá 7.000-13.000 đồng /kg, U gai 3.000-4.000 đồng /kg.

ông Nguyễn Văn Lý, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “Toàn huyện hiện có 9.550ha cây ăn quả, trong đó có 6.650ha vải, bao gồm 1.300ha vải sớm và 5.350ha vải chính vụ. Năng suất vải sớm đạt khoảng 3, 2 tấn/ha. Tổng sản lượng vải thiều toàn huyện năm 2009 ước đạt 20.000 - 25.000 tấn quả tươi”.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Nam, thời tiết năm nay không thuận lợi cho quá trình ra hoa đậu quả của vải: do ảnh hưởng của lũ lụt năm 2008 trên diện rộng, hiện tượng mưa đá đã làm thay đổi quá trình sinh trưởng của cây; một số diện tích bị ảnh hưởng trong giai đoạn ra hoa thụ phấn, nên tỷ lệ đậu quả thấp. Mật độ sâu, bệnh tăng cao, đặc biệt là sâu đục cuống quả. Do sâu nở rải rác, kéo dài, không tập trung thành 1-2 đợt như những năm trước nên nông dân khó nắm bắt thời điểm phun thuốc thích hợp. Mặc dù đã được khuyến cáo về thời gian phun thuốc song một số hộ phun quá sớm hoặc quá muộn so với thời điểm sâu nở rộ, chọn bộ thuốc chưa phù hợp, tỷ lệ pha không hợp lý nên hiệu lực phòng trừ thấp.

Thêm vào đó, những diễn biến bất thường của một số mặt hàng vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cùng với tâm lý của người dân về việc giá rẻ, khó tiêu thụ nên nhiều hộ đã chặt bỏ vải thiều ở những đồi cao chuyển sang trồng cây lâm nghiệp.

Lò sấy khô vải để bảo quản và xuất khẩu

Cần hướng tiêu thụ ổn định

Theo thống kê ban đầu của tỉnh Bắc Giang, không chỉ Lục Nam, mà ở các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế, sản lượng vải sớm cũng giảm 40-70% so với năm 2008. Dự kiến năm nay, sản lượng vải thiều toàn tỉnh đạt 122.900 tấn quả tươi, bằng 57,5% so với năm ngoái. Ngay cả vựa vải Lục Ngạn cũng chỉ đạt khoảng 40.000 tấn, gần bằng 60% so với năm 2008.

Là loại cây ăn quả có giá trị, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng năm nay, sản lượng vải thiều dự kiến giảm khoảng 55-60% so với năm 2008. Bên cạnh đó, trữ lượng vải thiều sấy khô năm 2008 vẫn còn tồn dư khá lớn, chưa tiêu thụ được do thị trường xuất khẩu vải sấy sang Trung Quốc bị hạn chế nên năm nay vải thiều chủ yếu tiêu thụ ở dạng quả tươi.

Theo quy luật mất mùa, được giá, dù năng suất và sản lượng giảm, nhưng giá vải thiều và việc tiêu thụ có nhiều thuận lợi. Mới chỉ là đầu vụ song UBND huyện Lục Nam đã chỉ đạo các xã tu sửa đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho thương lái tới thu mua vải thiều; thực hiện miễn giảm thuế và các quy định hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân tiêu thụ và chế biến vải.

Giá vải đang có xu hướng giảm, hiện chỉ còn 5.000 - 6.000 đồng /kg. Nhằm đảm bảo cho việc tiêu thụ vải cho bà con, tỉnh Bắc Giang đang thực hiện nhiều biện pháp đẩy mạnh tiêu thụ trên thị trường nội địa, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh... Ngoài thị trường xuất khẩu truyền thống là Trung Quốc, vải thiều Bắc Giang đang hướng đến các thị trường của một số nước ASEAN, EU. Tuy nhiên, các thị trường này được đánh giá là tương đối khó tính, đòi hỏi cao về chất lượng, độ đồng đều, nghiêm ngặt về các chỉ tiêu dư lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật...

Theo ông Lý, để hướng đến xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao và ổn định, yêu cầu quan trọng là phải chăm sóc vải thiều đúng kỹ thuật, để quả vải thương phẩm đạt chất lượng tốt: quả to, mẫu mã đẹp, không có dư lượng thuốc trừ sâu. Điều này một mình nông dân không làm được mà phải có sự vào cuộc của ngành chức năng.