Tuần trước, tại các chợ và siêu thị, thịt lợn vẫn là lựa chọn số 1 của người tiêu dùng nhưng mấy ngày nay, sức mua giảm rõ rệt. Theo chị Nguyễn Thị Thuỷ, người bán thịt lợn tại chợ Ô Cách (phường Đức Giang – Long Biên – Hà Nội), dù các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin liên tục về việc không gọi là cúm lợn mà là cúm A/H1N1 và ăn thịt lợn nấu kỹ sẽ không gây bệnh nhưng chẳng hiểu sao người mua vẫn e dè. Hơn nữa, đây là giai đoạn thời tiết nắng nóng nên các bà nội trợ có tâm lý tìm mua thuỷ, hải sản nhiều hơn thịt. Trước đây, mỗi ngày chị Thuỷ bán được khoảng 30kg thịt lợn và chỉ trong 1 buổi sáng là hết nhưng 3 – 4 ngày nay, ngồi cả ngày chị chỉ bán được 15 - 20kg.
Rời chợ Ô Cách, chúng tôi sang chợ Đồng Tâm (phường Đồng Tâm – Hai Bà Trưng), chợ tấp nập người mua kẻ bán nhưng tại các gian hàng thịt lợn, khách có vẻ vắng hơn thường ngày. Lý giải về điều này, chị Nguyễn Thị Quy cho biết, mấy ngày nay bán hàng rất chậm. Bình thường, giá 1kg thịt lợn thăn là 70.000 đồng nhưng nay còn 65.000 đồng/kg mà vẫn không chạy. Sáng nào chị cũng chở thịt lợn từ huyện Mỹ Đức vào nội thành để bán. “Dịch cúm A/H1N1 ở mãi bên Tây chứ đã vào Việt Nam đâu mà nhiều người vẫn sợ. Ngày trước, bán hàng thích lắm, có ngày tôi bán được tới 2 con lợn nhưng 1 tuần qua, trầy trật mãi cũng chỉ hết 1 con”.
Theo lãnh đạo của Công ty TNHH Charoen PokPhand Việt Nam (Tập đoàn CP Thái Lan), chỉ trong 2 ngày (4 và 5/5), do ảnh hưởng của dịch cúm A/H1N1 nên việc tiêu thụ thịt lợn tại các chợ đã giảm tới 40%, dẫn đến giá lợn hơi có xu hướng giảm từ 34.000 đồng/kg xuống 32.000 đồng/kg. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới người chăn nuôi, nhất là trong thời điểm khủng hoảng tài chính đang diễn ra như hiện nay. Trong khi đó, trên thế giới vẫn chưa có bằng chứng chứng tỏ dịch cúm A/H1N1 xuất hiện trên lợn, do đó, rất cần các cơ quan chức năng tuyên truyền làm sao để người tiêu dùng không quay lưng lại với thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn.
Dịch cúm A/H1N1: Người chăn nuôi bắt đầu bị ảnh hưởng. |
Trang trại gặp khó
Nhu cầu giảm dẫn tới việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, có thể thấy rõ điều này tại các trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn. Hơn một tuần qua, ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi Cổ Đông (Sơn Tây - Hà Nội) đứng ngồi không yên bởi giá lợn hơi bắt đầu giảm. Trung bình mỗi tháng HTX xuất chuồng khoảng 250 tấn lợn thịt cho các công ty, lò mổ với giá khoảng 35.000 đồng/kg lợn hơi siêu nạc, thế nhưng bây giờ, dù đã gọi điện nhiều lần tới các mối quen nhưng ông đều nhận được câu trả lời: “Từ từ, xem thế nào đã”. “Khi nghe thông tin các cơ quan chức năng đang thắt chặt việc nhập khẩu thịt lợn, đặc biệt là đường tiểu ngạch, tôi mừng lắm, vì đây sẽ là cơ hội để thịt lợn trong nước “làm giá”, nhưng chẳng hiểu sao giá thịt lợn lại có xu hướng giảm và khó tiêu thụ đến vậy. Hiện, khách hàng chỉ đề nghị mua với giá 28.000 đồng/kg lợn hơi, chúng tôi đang phân vân không biết có nên bán hay không bởi nếu bán giá rẻ thì lỗ nhưng chờ hết dịch thì không biết đến bao giờ”, ông Chiến phân trần. Theo tính toán của ông, mỗi kilôgam lợn mất khoảng 6.000-7.000 đồng, cả HTX có hàng nghìn con đã đến kỳ xuất chuồng, tính ra cầm chắc lỗ. Cúm A/H1N1 có nguy cơ xâm nhập từ đường bộ rất lớn Tính đến ngày 4/5, dịch cúm A/H1N1 đã lan rộng ra 20 quốc gia, tại 3 châu lục (châu Mỹ, châu Âu, châu Á) với tổng số gần 985 người mắc, 26 người tử vong. Cho đến thời điểm này, phần lớn các ca mắc ở ngoài châu Mỹ đều có tiền sử lây bệnh từ Mêhicô hoặc một số bang có dịch của Hoa Kỳ, do đó tại nước ta, công tác giám sát người nhập cảnh từ vùng có dịch về qua sân bay, hải cảng đang được triển khai rất chặt chẽ. Theo ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, mặc dù cơ quan y tế kiểm soát người nhiễm dịch cúm rất tốt qua đường hàng không, đường biển nhưng đường bộ lại hổng, nhất là tại các cửa khẩu. Do đó, ông Châu đề xuất thành lập Ban chỉ đạo liên vùng, thành lập các vùng đệm ngăn chặn dịch lây lan giữa các địa phương để phối hợp giám sát dịch chủ động, hiệu quả. Theo TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế), hiện nay cúm A/H1N1 vẫn nhạy cảm với thuốc Tamiflu và Zanamivir (relenza). Tuy nhiên, hầu hết các tỉnh đều thiếu nghiêm trọng thuốc Tamiflu cũng như các trang thiết bị phục vụ công tác giám sát dịch.
Cổ Đông là HTX chăn nuôi có quy mô lớn nhất miền Bắc, hoạt động theo mô hình liên kết giữa các chủ trang trại chăn nuôi trên địa bàn hỗ trợ nhau trong việc ứng dụng công nghệ chăn nuôi, cung ứng con giống, giám sát quy trình chăn nuôi. HTX có 90 trang trại chăn nuôi lợn, 30 trại gà. Ông Chiến ngao ngán: “Dịch bệnh xảy ra ở tận đâu nhưng tình trạng người chăn nuôi đang bị ép giá vì lý do trên khiến chúng tôi chán nản vô cùng. Nghề chăn nuôi thường gặp rủi ro, hết giá thức ăn tăng cao, lại dịch bệnh..., chẳng biết cảnh này bao giờ chấm dứt”.
Trang trại của ông Bùi Văn Thắng ở Hố Vầu (Lục Nam – Bắc Giang) cũng đang ở tình trạng tương tự. Những ngày này muốn gặp ông Thắng thật khó, bởi ông chạy đôn, chạy đáo khắp nơi tìm cách tiêu thụ 100 con lợn đã đến kỳ xuất chuồng nhưng không có khách tìm mua. Hơn 3 tháng trời đầu tư công sức, tiền của, bao nhiêu vốn liếng đều đổ vào đàn lợn, đến lúc thu hoạch thì lại gặp sự cố. “Nếu tình trạng này kéo dài thì không biết trang trại có thể cầm cự được không khi lợn không bán được mà tiền đầu tư thức ăn, thuốc thú y... vẫn phải bỏ ra đều đặn. Sau đợt này, chắc tôi phải treo chuồng hoặc chuyển hướng khác”, ông Thắng bức xúc.
Trước mắt là phòng bệnh
Dù dịch cúm A/H1N1 chưa xuất hiện tại Việt Nam, nhưng khi có thông tin về loại dịch mới này các chủ trang trại đã chuẩn bị khá kỹ các phương án phòng bệnh. ông Chiến cho biết, HTX đã ra quy định thắt chặt và kiểm soát chặt chẽ việc ra vào trang trại. Theo đó, các thành viên hạn chế đến mức tối đa việc tiếp xúc với người ngoài, khi vào chuồng trại đều phải dùng bảo hộ lao động... Ngoài ra, việc tiêu độc khử trùng chuồng nuôi được tiến hành thường xuyên, liên tục với tần suất 3 lần/tuần (trước đây 2 lần/tuần), đảm bảo chuồng sạch sẽ. “Ngày nào tôi cũng theo dõi các thông tin diễn biến về bệnh cúm A/H1N1. Toàn bộ lợn của HTX đều được tiêm phòng vắc -xin 4 bệnh đầy đủ theo quy định của ngành thú y, thường xuyên tiêu độc khử trùng. Do đó, dịch bệnh khó có thể xảy ra được”, ông Chiến khẳng định.
Đây cũng là biện pháp mà ông Thắng đang áp dụng cho trang trại của mình. Ông tỏ ra am hiểu: “Tôi biết cúm A/H1N1 mới chỉ lây từ người sang người chứ chưa có bằng chứng là do lợn gây ra nhưng để ăn chắc thì trang trại vẫn tiến hành các biện pháp phòng bệnh như ngành thú y khuyến cáo, đồng thời cử người theo dõi sát sao mọi biểu hiện của đàn lợn”.
Trước những diễn biến phức tạp và có chiều hướng trở thành đại dịch, công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1 đã được các cấp ngành tích cực triển khai.
Hà Nội hiện có hàng nghìn trang trại với tổng đàn lợn trên 16 triệu con, đây là một trong những địa phương có số lượng đàn lợn lớn nhất cả nước, vì vậy, thành phố đang tăng cường công tác quản lý, kiểm dịch động vật và sản phẩm từ gia súc, gia cầm để phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là phòng, chống bệnh cúm A/H1N1 trên địa bàn. Lực lượng kiểm tra liên ngành duy trì thường trực 24/24 giờ tại bảy chốt kiểm dịch ra, vào thành phố gồm Ba La (Hà Đông), Hà Vỹ (Thường Tín), Phú Xuyên, Ngọc Hồi (Thanh Trì), Dốc Lã (Gia Lâm), Trung Giã (Sóc Sơn) và Trung Hà (Ba Vì). Gia súc, gia cầm vận chuyển phải có giấy chứng nhận kiểm dịch nơi xuất bán và sau khi giết mổ sẽ được cơ quan thú y kiểm tra, cấp giấy kiểm dịch trước khi lưu thông. Đến nay, TP. Hà Nội vẫn chưa xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản.
Chi cục Thú y tỉnh Bắc Giang đang chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn, nhất là dịch cúm A/H1N1. Theo đó, tập trung tiêm phòng vắc-xin dịch tả và dịch tụ huyết trùng cho đàn lợn thịt; vắc-xin các dịch phó thương hàn và phù đầu (E.coli) cho đàn lợn con; vắc-xin dịch tả, phó thương hàn và dịch tai xanh cho đàn lợn nái. Đồng thời, thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi và nơi công cộng.