00:00 Số lượt truy cập: 3229181

Điều hành giá lương thực: Cần linh hoạt hơn 

Được đăng : 03/11/2016

Nghiên cứu sự điều hành của Nhà nước từ năm 2008 đến nay đối với tình trạng biến động sản xuất lương thực (LT), biến động giá cả thấy giá LT không chỉ phụ thuộc vào sản xuất của các vùng trong nước mà còn phụ thuộc rất lớn vào giá LT nhập khẩu.


Tăng giá lương thực có tác động mạnh đến đời sống người nghèo.

Năm 2008, khi khủng khoảng LT thế giới xảy ra khiến giá gạo trong nước cũng lên cơn sốt, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, đời sống của người dân, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã khẳng định: “Chúng ta có gạo đủ cung cấp cho dân”, đồng thời chỉ đạo Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lương thực miền Nam phối hợp với các địa phương mang gạo đến tận nơi để phục vụ nhu cầu người dân.

Lúc đó, giá gạo thế giới tăng vọt và nước ta có chủ trương ngừng ký hợp đồng xuất khẩu để bình ổn giá LT trong nước. Mặc dù Chính phủ đã áp dụng hạn ngạch cho xuất khẩu gạo nhằm hạn chế tác động đến giá LT trong nước, song đáng tiếc là giá gạo tại thị trường nội địa không những không được bình ổn mà còn tăng mạnh trong một thời gian ngắn do đầu cơ, tích trữ. Đến khi việc xuất khẩu được khai thông thì giá gạo thế giới giảm mạnh, khiến nông dân bị thiệt thòi khá nhiều.

Năm 2009, xuất khẩu gạo được điều hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Lúa, gạo hàng hoá vụ đông xuân được tiêu thụ nhanh với giá bảo đảm cho nông dân có lời trên 30%.

Một chính sách quan trọng luôn được Chính phủ áp dụng là, trong các tình huống thiên tai, Chính phủ đã có trợ cấp LT khẩn cấp cho người dân ở những vùng bị ảnh hưởng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội ở vùng đó. Tuy nhiên, việc phân phối và sử dụng LT chưa được các địa phương làm tốt, dẫn tới hiệu quả của những chính sách này bị giảm đáng kể.

Những tháng còn lại của năm 2009, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tăng cường phối hợp chặt chẽ và tiếp tục điều hành xuất khẩu gạo, nhấn mạnh việc phối hợp giữa các bên liên quan cũng như đặt ra yêu cầu nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/1/2006 của Chính phủ đối với cơ chế điều hành xuất khẩu gạo theo hướng: một là, quy định hoạt động xuất khẩu gạo là ngành nghề kinh doanh có điều kiện; hai là, phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, VFA và các tổng công ty nhà nước.

Năm 2010, Chính phủ có Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 4/11/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo. Bộ Nông nghiệp và PTNT có Quyết định 3242/QĐ-BNN-CB phê duyệt Quy hoạch hệ thống dự trữ 4 triệu tấn lúa tại ĐBSCL. Các chính sách này đã giúp việc thu mua LT kịp thời với giá ổn định. Theo đó, Nghị định 109 có những điều chỉnh rất cơ bản. Một là, trong trường hợp giá thóc hàng hóa trên thị trường bằng hoặc cao hơn giá thóc định hướng, Nhà nước không can thiệp; trường hợp thấp hơn, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các ban ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp điều tiết cụ thể để duy trì giá thóc, gạo hàng hóa trên thị trường không thấp hơn giá thóc định hướng, đồng thời bảo đảm hoạt động xuất khẩu gạo hiệu quả.

Hai là, kịp thời bình ổn khi giá gạo trong nước biến động gia tăng vượt mức. Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo có trách nhiệm tham gia bình ổn giá và được bù đắp chi phí phát sinh.

Ba là, tăng cường công tác dự báo hàng năm để từ đó cân đối nhu cầu tiêu dùng gạo trong nước cũng như có kế hoạch xuất khẩu phù hợp.

Mặt khác, theo Nghị định 109, các DN xuất khẩu gạo phải có đủ điều kiện về kho bãi, dự trữ… mới được xuất khẩu. Điều này đã giúp các DN nhìn lại mình, giảm hẳn tình trạng xuất khẩu ồ ạt, tăng giá thu mua, găm hàng…

Việc đổi mới cơ chế và cách thức điều hành xuất khẩu gạo theo hướng xác định rõ vai trò quản lý nhà nước của Chính phủ, bộ, ngành về chính sách thị trường và kiện toàn tổ chức, hoạt động của VFA… đã phần nào khắc phục sự lúng túng của cơ quan quản lý khi xảy ra biến động giá LT, tổ chức ngành hàng gạo được củng cố, góp phần tăng sức cạnh tranh của các DN cũng như giữ thế chủ động trong việc bình ổn giá LT trong nước.