00:00 Số lượt truy cập: 2677079

Doanh nghiệp cãi nhau, nông dân... “chết” 

Được đăng : 03/11/2016

Trong lúc nông dân phải mua phân bón với giá cao ngất ngưởng thì các doanh nghiệp ngành phân bón lại đang đổ lỗi cho nhau về nguyên nhân thiếu hụt phân bón trên thị trường.


Giá sẽ còn tăng

Từ đầu tháng 4-2007 đến nay, giá phân bón các loại đồng loạt tăng mạnh. Trừ phân NPK chỉ tăng 300-500 đồng/kg, hầu hết các loại phân bón khác đều có mức tăng lên đến 1.000 đồng/kg.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhu cầu phân bón urê cho vụ hè thu năm 2007 vào khoảng 430.000 tấn, trong đó khu vực miền Nam sử dụng hơn 300.000 tấn và miền Bắc là 130.000 tấn. Trong khi đó, theo Hiệp hội Phân bón VN, các nguồn tồn kho và sản xuất của Nhà máy đạm Phú Mỹ và đạm Hà Bắc, cùng với nguồn urê tồn kho ở các đại lý chỉ khoảng 280.000 tấn.

Theo bảng giá thông báo của Công ty hóa chất và phân đạm Phú Mỹ (PVFCCo), giá bán sỉ urê Phú Mỹ tại nhà máy đã tăng 1.000 đồng, lên 5.400 đồng/kg. Urê Trung Quốc nhập khẩu tiểu ngạch có giá bán 5.300-5.350 đồng/kg, còn urê nhập khẩu chính ngạch, giá nhập về VN đã lên tới 5.800-6.000 đồng/kg. “Một số loại phân bón khác như DAP hay kali... cũng leo thang từng ngày. Một số mặt hàng có nguy cơ thiếu hụt do doanh nghiệp không dám nhập vì sợ rơi vào cảnh thua lỗ như từng diễn ra năm trước...” - giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh phân bón nhập khẩu nói. “Nóng” nhất trên thị trường là loại phân DAP, giá tăng 1.800 đồng/kg so với tháng trước, hiện có giá hơn 7.000 đồng/kg.

Theo các doanh nghiệp ngành phân bón, giá phân bón trong thời gian tới sẽ còn “nóng” do giá phân bón trong nước đang thấp hơn giá thế giới. Ông Lê Quốc Phong (tổng giám đốc Công ty phân bón Bình Điền) cho biết loại NPK trong nước hiện nay có giá cao nhất cũng chỉ khoảng 4.800 đồng/kg, trong khi giá thế giới đã lên tới 5.300-5.400 đồng/kg. Các nhà cung cấp phân bón kali cũng vừa thông báo sẽ điều chỉnh tăng giá loại sản phẩm này thêm 15-20 USD/tấn trong thời gian tới, mặc dù vừa mới tăng 10 USD/tấn. “Nhiều nhà cung cấp phân bón nước ngoài đã “xù” hàng loạt hợp đồng với các doanh nghiệp VN, càng làm tình hình thêm căng thẳng...” - ông Phong nói. Theo ông Phong, riêng đơn vị này đã bị thiệt hại đến 10 triệu USD do nhà cung cấp “xù” một lô hàng 10.000 tấn, khi thấy giá tăng 100 USD/tấn so với thời điểm ký hợp đồng.

Giá “nóng” do đâu?

Giá cả phân bón trong nước đã tăng theo cơn sốt giá phân bón trên thế giới. Giá phân urê nhập khẩu chính ngạch đang ở mức 350-370 USD/tấn, cao nhất trong vòng... 50 năm qua.

Theo các doanh nghiệp, một số chính sách bất hợp lý trong hoạt động nhập khẩu phân bón hiện nay cũng tạo điều kiện cho nhà cung cấp - chủ yếu là Trung Quốc - “bắt chẹt” nhà nhập khẩu VN. Theo qui định, các doanh nghiệp chỉ được nhập khẩu một loại DAP (loại 18-46), các nhà cung cấp Trung Quốc biết được nên đã đẩy giá loại sản phẩm này lên khi VN có nhu cầu.

Tại hội nghị bàn biện pháp ổn định thị trường và giá phân bón cho vụ hè thu, do Hiệp hội Phân bón VN tổ chức tại TP.HCM sáng

11-4, một số ý kiến cho rằng chính nguồn phân urê sản xuất trong nước và urê Trung Quốc nhập khẩu theo đường tiểu ngạch với giá rẻ là “thủ phạm” của tình trạng mất cân đối cung - cầu phân bón trong nước vì đã làm... ngạt thở các nhà nhập khẩu chính ngạch. Theo một quan chức của Hiệp hội Phân bón VN, phân urê nhập khẩu chính ngạch không thể cạnh tranh về giá.

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Thanh Bình - tổng giám đốc Công ty PVFCCo, việc đổ lỗi cho nguồn urê sản xuất trong nước là không hợp lý. Bởi lẽ, urê Phú Mỹ hiện có giá bán cao hơn giá urê Trung Quốc, trong khi nguồn urê Trung Quốc đang áp đảo thị trường. “Nếu bán theo giá urê Trung Đông hay Nga, Nhà máy đạm Phú Mỹ đã phá sản do không thể tiêu thụ được hàng. Các nhà kinh doanh phân bón có thể nhập hàng urê Trung Quốc về bán, vẫn đảm bảo hoạt động kinh doanh mà nông dân lại được lợi...” - ông Bình nói.

Trên thực tế phần lớn phân bón nhập khẩu đều từ Trung Quốc. Ông Nguyễn Tấn Đạt - giám đốc Công ty phân bón miền Nam - cũng cho rằng hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh phân bón đều đặt “đại bản doanh” ở gần biên giới Trung Quốc để lấy hàng, tận dụng nguồn hàng này do có nhiều ưu thế, trong đó có chi phí vận chuyển rẻ hơn các nguồn hàng khác vì gần hơn về mặt địa lý.

Một nguyên nhân khiến giá phân bón “nóng” đó là do dự báo chậm và không chính xác. “Nguồn phân bón sản xuất trong nước vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất nên việc “sống chung” với tình trạng thiếu hụt phân bón sẽ vẫn tiếp tục diễn ra trong nhiều năm tới. Lẽ ra ngành phân bón phải dự báo sớm tình hình để khuyến cáo các doanh nghiệp...” - ông Đạt nói. Theo ông Đạt, việc thực hiện các hợp đồng nhập khẩu phân bón nhanh nhất cũng mất hết 45 ngày và chậm nhất lên đến 90 ngày, trong khi hiện nay vụ hè thu đang xuống giống.