Hàng trăm hộ nông dân trồng chôm chôm và ổi xá lỵ ở xã Bình Lộc, Long Khánh (Đồng Nai) đang mong mỏi địa phương này nhanh chóng thực hiện sản xuất theo hướng VietGap, hy vọng những mùa vụ tới giá trái cây ở địa phương sẽ đỡ bèo bọt hơn. Tuy nhiên, một số chuyên gia nông nghiệp cho rằng nếu chưa đảm bảo được đầu ra thì làm các HTX VietGAP sẽ khó sống.
Thèm một thương hiệu Bác Nguyễn Văn Luỹ (một nông dân ở ấp 2) cho biết, từ nhiều năm nay với 4ha chôm chôm nhãn gia đình bác thu về khoảng 50-60 triệu đồng/năm. Nhưng ba, bốn năm trở lại đây giá trái cây ngày càng có xu hướng giảm do thương lái viện lý do rằng chôm chôm của Bình Lộc “làm xô, bán vườn” chất lượng không bằng chôm chôm ở miền Tây. “Họ viện lý do mình không có giấy chứng nhận sản xuất theo quy trình GAP để ép giá. Lúc trước 1kg chôm chôm nhãn bán được gần 6.000 đồng, nay chỉ còn 3.500-4.000 đồng, chôm chôm thường vài năm trước còn bán được 3.000 đồng/kg, nay bán giá 1.500-2.000 đồng/kg mà cũng không có người đến hái” - bác Luỹ nói. Hỏi về những hiểu biết về quy trình sản xuất VietGAP, bác Luỹ thành thật: “Nghe nói dưới Bến Tre người ta trồng chôm chôm theo VietGAP tôi cũng nhờ mấy đứa cháu lên mạng in-tẹc-nét (internet) in tài liệu về tham khảo. Mới đây các anh bên Hội Nông dân xã cũng có tập huấn 2 đợt về quy trình sản xuất VietGAP, nhưng nghe nói chưa có kinh phí nên chưa thực hiện được. Theo tôi thì làm VietGAP cũng không quá khó. Nếu bà con cùng làm thì tôi sẵn sàng làm ngay” - bác Luỹ khẳng định. Theo ông Lê Văn Ớ, Chủ nhiệm CLB Năng suất cao ấp 2, hiện nay ở trong ấp nông dân đã chủ động áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây chôm chôm đối với hơn 40ha. Kết quả cho thấy, nhiều hộ tiết kiệm được khoảng 40% kinh phí đầu tư mà năng suất vẫn đảm bảo đạt khoảng 15-20 tấn/ha. Tuy nhiên, với giá bán quá rẻ (dưới 1.500 đồng/kg) thì nông dân không có lời. Vì thế hầu hết các hộ trồng chôm chôm đều muốn tham gia tổ hợp tác để hướng tới sản xuất theo VietGAP, hi vọng sản phẩm làm ra có đầu mối tiêu thụ ổn định, không phải hết mùa này tới mùa khác chịu cảnh trúng mùa mất giá. Anh Huỳnh Kim Thạch, cán bộ Nông nghiệp xã Bình Lộc cho biết, ngoài cây chôm chôm là loại cây lâu năm chính ở xã thì hiện nay cây ổi xá lỵ cũng là một loại trồng giúp dân thoát nghèo của địa phương. Theo anh Thạch, ổi xá lỵ rất thích hợp với thổ nhưỡng ở Bình Lộc. Trái ổi ít hạt, cùi mềm, giòn có vị ngọt, thơm ngon, vỏ có màu xanh bóng bắt mắt. Hiện, ở Bình Lộc có khoảng 60ha ổi, trong đó 55ha đang cho thu hoạch, giá bán trung bình khá cao (5.000-5.500 đồng/kg). Một số hộ dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi các diện tích chôm chôm già cỗi sang trồng ổi và đạt hiệu quả cao. Anh Thạch cho biết, hiện xã đang nghiên cứu lập đề án thành lập HTX trồng ổi theo hướng VietGAP, nhằm xây dựng thương hiệu chất lượng cho trái ổi và phát triển cây trồng này thành loại cây đặc sản ở địa phương. Tuy nhiên, để hoàn thành được đề án này, xã cần có sự hỗ trợ của huyện và tỉnh về những khâu ban đầu như kiểm định mẫu đất, mẫu nước cũng như có những khuyến khích phù hợp cho HTX lúc mới bắt đầu thành lập. Đầu ra gặp khó Đem những băn khoăn của người dân xã Bình Lộc trao đổi với một số chuyên gia ngành nông nghiệp, TS. Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho biết, mong muốn sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP của người dân là hoàn toàn chính đáng và hợp với xu hướng chung. Tuy nhiên, do chi phí sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn cao hơn nhiều so với sản xuất bình thường nên lo ngại lớn nhất của người dân vẫn là việc tiêu thụ sản phẩm. Thực tế cho thấy, có một số trang trại, nhà vườn ở ĐBSCL đã nỗ lực để đạt được chứng chỉ VietGAP, GlobalGAP nhưng do đầu ra bấp bênh, giá cả thu mua không ổn định nên sau một vài năm đã không còn mặn mà với VietGAP. Các HTX nông sản đã có giấy chứng nhận rơi vào cảnh thiếu nguyên liệu cho các hợp đồng xuất khẩu lớn vì không thể níu giữ được xã viên do họ bỏ ra ngoài làm ăn riêng lẻ. Ông Mai Thành Phụng, Trưởng Bộ phận khuyến nông trồng trọt (TT Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia) thì cho rằng, việc nông dân hứng khởi tham gia HTX sản xuất theo hướng VietGAP là một thuận lợi để chuyển đổi quy hoạch sản xuất lớn. Dù vậy, để sự hứng khởi ấy được lâu bền ngay từ ban đầu các địa phương cần phải đưa ra những chính sách ưu tiên phát triển kinh tế tập thể. Sở Nông nghiệp tỉnh và các sở, ngành liên quan cần tạo ra các điều kiện khuyến khích DN tham gia vào quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản. Địa phương phải chấp nhận bỏ vốn đầu tư về giao thông, thuỷ lợi, hỗ trợ các chi phí về phân tích mẫu đất, mẫu nước, miễn phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn trong thời gian đầu… Qua khảo sát ở nhiều địa phương, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, ông Phụng cho rằng chỉ có những dự án nào, địa phương nào làm tốt đầu ra cho sản phẩm sạch, an toàn thì nơi đó người nông dân mới hứng khởi tham gia và các trang trại, nhà vườn mới hoạt động hiệu quả. “Nếu chưa tính toán được đầu ra ổn định, sản phẩm làm theo quy trình VietGAP mà bán chưa được giá cao hơn sản phẩm thường 20% thì chưa thể làm VietGAP vì có làm chắc chắn không thành công” - ông Phụng khẳng định. |