00:00 Số lượt truy cập: 2678949

Đồng Nai: Trồng hoa lan- nghề mới ở huyện thuần nông Nhơn Trạch 

Được đăng : 03/11/2016
Không phải ngẫu nhiên mà vườn hoa lan của gia đình anh Nguyễn Văn Long ở xã Long Thọ được Trạm Khuyến nông huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) chọn làm điểm trình diễn và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân trong huyện đến học tập và mở rộng loại cây trồng mới này. Chỉ với 3.500 m2 đất vườn, bình quân mỗi tháng gia đình anh có thu nhập gần 40 triệu đồng từ tiền bán hoa và trong 2 tháng tới xuất bán lứa cây giống đầu tiên được khoảng 2 tỷ đồng.


Trước đây trên diện tích vườn, anh Long chuyên trồng và chăm sóc các loại mai cảnh để bán trong dịp tết. Qua kinh nghiệm làm ăn, anh Long quyết định chuyển sang nghề trồng hoa lan. Sau khi đi học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc và tham khảo các vườn lan ở trong và ngoài tỉnh, nhất là các chủ vườn lan ở thành phố Hồ Chí Minh, anh Long bỏ ra hơn 1 tỷ đồng đầu tư cho việc trồng lan. Vườn lan được thiết kế hiện đại gồm nhà có mái che, hệ thống phun tưới nước với loại lan duy nhất là giống Mokara được trồng thẳng xuống đất. Các luống trồng lan được xây viền bằng gạch, lối đi quanh vườn tráng bê tông. Mỗi luống rộng 1 m được trồng 2 hàng lan. Theo anh Long, giống lan Mokara hiện rất khan hiếm trên thị trường và hoa loại này hiện rất được ưa chuộng nên anh không ngừng tìm tòi mua giống và nhân giống tại vườn với giá một cây giống loại nhỏ khoảng 40.000 đồng và cây lớn từ 80 đến 90.000 đồng. Bình quân 1 công đất vườn (1.000 m2) người trồng lan có lãi khoảng 10 triệu đồng/ tháng. Vườn lan nhà anh Long hiện có khoảng 7.000 gốc được chia làm 3 lứa tuổi khác nhau; loại lớn nhất bắt đầu cho thu hoạch với giá bán mỗi cành hoa từ 7.000 đồng đến 10.000 đồng và khi vườn được khai thác toàn bộ, mỗi tháng cho thu khoảng 40 triệu đồng, đấy là chưa kể bán giống cây. Anh Long cho biết: đối với loài hoa lan vương giả, ngoài việc chọn giống, thì khâu quan trọng nhất là biết cách chăm sóc, chỉ cần sơ xuất nhỏ là cây chỉ tốt lá mà không trổ bông, đó là chưa kể các loài hoa khó tính như lan Hồ Điệp, lan Vũ Nữ thì nắng không ưa, mưa không chịu và rất dễ mắc các bệnh như thán thư, vàng lá, thối ngọn rồi lụi dần.

Việc anh Long phát triển cây lan ở huyện Nhơn Trạch khá phù hợp với định hướng chung của huyện Nhơn Trạch là chuyển đổi dần phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp phục vụ đô thị, trong đó có việc trồng các loại hoa lan, cây cảnh và các loại rau sạch, bởi các loại hình sản xuất này ít tốn diện tích nhưng cho thu nhập cao. Được sự quan tâm của Trạm Khuyến nông huyện, hiện có hàng chục hộ nông dân ở các xã Long Thọ, Vĩnh Thanh, Hiệp Phước đã đến học hỏi kinh nghiệm trồng lan của gia đình anh Long. Ông Võ Xuân Lũy, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết, sắp tới, huyện sẽ tổ chức câu lạc bộ cây cảnh, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc trồng lan và mời thầy ở Thành phố Hồ Chí Minh về giảng dạy phương pháp và kỹ thuật trồng lan. Hiện đã có nhiều hộ ở huyện Nhơn Trạch đã chuyển vườn chuyên trồng màu trước đây sang trồng lan và cơ sở của anh Nguyễn Văn Long ở xã Long Thọ đang là một trong những địa chỉ đáng tin cậy cung ứng giống. Anh Trần Tiến Nhạn, cán bộ khuyến nông ở xã Long Thọ cho biết: hiện hoa lan và cây lan giống đang được tiêu thụ khá mạnh ở trong và ngoài huyện đang là niềm phấn khích cho nông dân đầu tư chuyển sang nghề trồng lan và các loại cây cảnh./.