00:00 Số lượt truy cập: 3230379

Đồng Tháp: Đánh bắt thủy sản mùa nước nổi 

Được đăng : 03/11/2016

Mùa lũ, diện tích vùng ngập nước ở Đồng Tháp được mở rộng, thức ăn tự nhiên phong phú, nên nhiều loài cá sinh trưởng và phát triển thuận lợi. Theo đó, việc đánh bắt cá cũng được tăng cường với nhiều hình thức.


Mùa nước nổi là mùa có nhiều cá tôm nhất trong năm, nước lên đồng càng nhiều, thì cá càng nhiều và ngược lại. Nhiều người ở nông thôn mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá, xem mùa nước nổi là mùa có thu nhập cao nhất. Khi nước lũ từ thượng nguồn bắt đầu đổ về, cũng là lúc nhiều người chuẩn bị làm hoặc mua ngư cụ để đón bắt cá. Năm nay, nước về ít, cá thưa thớt, nên số người đánh bắt cá giảm nhiều.

Anh Lê Tấn Hải ở ấp 2, xã Tân Mỹ (Thanh Bình - Đồng Tháp), năm nào cũng sắm vài trăm mét lưới để giăng bắt cá, nhưng năm nay thấy nước quá ít, anh chỉ sắm có vài chục mét lưới để bắt cá ăn hàng ngày. Anh Hải bộc bạch: “Cá đồng bây giờ ngày càng ít. Mấy năm trước mùa nước tôi giăng lưới bắt được cá, ngoài bán, còn ủ mắm cả chục giạ. Tình hình nước năm nay như vầy, xem như nghề bắt cá đồng bị thất!”.

Mùa nước này cá ít, nhưng giá cá cao, nên người kiên trì, có nhiều kinh nghiệm đánh bắt cá cũng kiếm được thu nhập đáng kể. Như trường hợp của anh Quân, ở ấp Phú Bình, xã Phú Long (Châu Thành - Đồng Tháp) chuyên làm mướn và giăng lưới. Mùa nước này, trên đồng ít nước, anh hay giăng lưới dưới sông, rạch. Mỗi ngày anh kiếm được từ vài chục đến trên 100 ngàn đồng.

“Cá không lên ruộng, thì giăng lưới dưới sông. Dù bắt được cá không nhiều như mọi năm, nhưng bán được giá cao, nên cũng kiếm sống được. Tuy nhiên, theo tôi nước ít như thế này, cá dễ bị bắt, không kịp sinh sản, nên lượng cá đồng sẽ giảm mạnh trong thời gian tới” - anh Quân nói.

Theo nhiều người ở nông thôn, do nước ít nên ốc bươu vàng phát triển mạnh. Nhiều người làm nghề đánh bắt cá, chuyển sang bắt ốc bươu vàng bán cho người nuôi cá, nuôi vịt làm thức ăn. Anh Ngang ở ấp 3, xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự, mỗi đêm vừa giăng lưới bắt cá ăn, vừa bắt ốc bươu vàng. Ốc bắt về luộc, tách lấy ruột, bán 3.000 đồng/kg. Mỗi ngày anh kiếm được khoảng 60 - 90 ngàn đồng.

Đánh bắt cá bây giờ có nhiều hình thức, tuy nhiên đáng ngại nhất là đánh bắt cá bằng lưới dầy, bằng dớn, xung điện. Các hình thức đánh bắt cá sai qui định này ngày càng phổ biến và làm suy giảm nguồn cá tự nhiên. Mùa nước về, hầu như cánh đồng nào cũng có những luồng dớn dài, ngắn tứ giăng, bắt đủ thứ nguồn lợi thủy sản và không kể lớn nhỏ. Dẫu biết rằng, đây là cách mưu sinh của nhiều người ở nông thôn, tuy nhiên khai thác thủy sản bừa bãi mang tính hủy diệt cao như thế là không thể chấp nhận.

Nhiều người mong muốn các ngành hữu quan tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời kiểm tra, xử lý việc khai thác nguồn lợi thủy sản sai qui định, để nguồn lợi từ thiên nhiên ban tặng này được duy trì và phát triển.