Xác định xoài là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao nên thời gian qua, nông dân Đồng Tháp đã đẩy mạnh sản xuất theo quy trình VietGAP. Đây là chiến lược đúng đắn để tiến tới mục tiêu xây dựng thương hiệu cho sản phẩm xoài Đồng Tháp.
Ông Dương Văn Đông ở ấp Tân Hùng, xã Tân Thuận Tây cho biết: “Được sự quan tâm của Hội Nông dân TP.Cao Lãnh, Hội Làm vườn Việt Nam và các ban ngành khác, chúng tôi đã tích cực trồng xoài theo quy trình VietGAP. Tuy mới thử nghiệm nhưng mô hình đã phát huy hiệu quả thiết thực”. Hiện, gia đình ông Đông trồng 10,5 công (1 công = 1.000m2) với gần 200 gốc xoài theo quy trình VietGAP. Theo ông Đông, trồng xoài theo quy trình này có thể giảm được 30% chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, năng suất và đầu ra cũng được đảm bảo. Với năng suất trên 25 tấn/10,5 công, trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Đông thu lãi trên 150 triệu đồng.
Là một trong những hộ dân đi đầu trong việc sản xuất xoài VietGAP, anh Đỗ Phúc Vinh tâm sự: “Thấy trên báo đài, nhiều nơi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP cho các loại cây ăn trái, nên khi các ban ngành quan tâm tạo điều kiện, tôi đã quyết định tham gia. Dưới sự quan tâm, chỉ bảo tận tình của các ban ngành, đặc biệt là cán bộ HLV, đa số bà con đã bước đầu nhận thức và tin tưởng vào hiệu quả của việc sản xuất an toàn. Trồng xoài VietGAP đã giúp chúng tôi giảm chi phí đầu vào, thị trường tiêu thụ cũng rộng lớn và giá cả ổn định hơn. Hiện, xoài VietGAP bán với giá hơn 10.000 đồng/kg, còn xoài thường chỉ có 9.000 đồng/kg”.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (xã Tân Thuận Tây) tiết lộ: “Mới đầu tôi thấy người ta làm VietGap lắm công đoạn nên không muốn tham gia. Nhưng sau vụ xoài đầu tiên, tận mắt chứng kiến hiệu quả kinh tế nên tôi đã quyết định chuyển tất cả diện tích xoài của mình trồng theo quy trình VietGAP”. Vụ xoài đầu tiên làm theo VietGAP bán được giá hơn hẳn so với xoài thường, trừ chi phí, gia đình chị thu lãi gần 30 triệu đồng/60 gốc xoài.
Ông Lê Quang Điền, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thuận Tây cho biết, hiện xã có 475,7ha trồng xoài, trong đó có 6,71ha trồng theo quy trình VietGAP. “Chúng tôi khuyến khích bà con sản xuất theo hướng VietGAP. Vì chỉ có sản xuất theo hướng an toàn thì trái xoài Đồng Tháp mới có thể đứng vững trên thị trường và có thể xuất khẩu. Tuy mới trồng thử nghiệm nhưng VietGAP đã cho thấy hiệu quả rất lớn trong việc tiết kiệm chi phí đầu vào, ổn định đầu ra. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các ban ngành vận động nhân dân tham gia và mở rộng diện tích xoài VietGAP. Dự kiến, xã sẽ xây dựng vườn xoài VietGAP trên 50ha”, ông Điền nói.