00:00 Số lượt truy cập: 2671578

Đồng Tiến, điểm sáng về dồn điền đổi thửa 

Được đăng : 03/11/2016

Chưa đầy một năm, xã Đồng Tiến (Khoái Châu - Hưng Yên) đã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, giúp bà con yên tâm sản xuất: “Để thực hiện thành công phong trào, cán bộ không được tư lợi, phải dân chủ, công bằng" - ông Hoàng Xuân Hiệu, Chủ tịch UBND xã cho biết.


Nâng cao tính dân chủ

Đồng Tiến vốn là vùng đất trũng, một năm chỉ trồng được 2 vụ lúa nên trước đây hiệu quả canh tác không cao. Sự đói nghèo vì thế cứ đeo bám dai dẳng. Năm 2002, chủ trương dồn điền đổi thửa nở rộ khắp nơi. Đón nhận luồng gió mới này, lãnh đạo và nhân dân Đồng Tiến bắt đầu bước vào cuộc cách mạng trên đồng ruộng. Bước đầu, xã thành lập ban chỉ đạo chuyên trách việc dồn điền, đổi thửa, gồm các thành viên trong khối đoàn thể của xã. Nhưng khó nhất là làm công tác tư tưởng cho bà con. ông Hiệu cho biết: "Lúc đầu, nhiều người cho rằng dồn điền đổi thửa là cơ hội để cán bộ tư lợi; đất tốt thì về tay họ, còn đất xấu để lại cho nông dân". Hiểu được tâm lý ấy, xã quán triệt tinh thần: "Công bằng, dân chủ là trên hết, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tư lợi". Bên cạnh việc tuyên truyền, lãnh đạo xã quy hoạch lại hệ thống đường giao thông, thuỷ lợi, công trình phúc lợi và diện tích dồn điền đổi thửa, sau đó công khai toàn bộ sơ đồ lấy ý kiến của bà con. Trong đó nêu rõ, ưu tiên những thửa bằng phẳng cho các hộ thuộc diện gia đình chính sách, phần còn lại, ai cũng phải gắp phiếu một cách công bằng. Được đảm bảo tính dân chủ nên đông đảo bà con ủng hộ. Tháng 6/2003, Đồng Tiến hoàn thành việc giao đất cho nông dân mà không xảy ra khiếu kiện.

Những mùa vàng

Bây giờ, các vùng đồng bãi của xã đã bắt đầu hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, chấm dứt tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trước đây. Bình quân từ 4 thửa /hộ nay chỉ còn 2, 5 thửa /hộ, giá trị kinh tế trên diện tích canh tác tăng từ 27 triệu đồng /ha/năm lên 36 triệu đồng /ha/năm. Các công trình thuỷ lợi, giao thông được làm mới, thuận tiện cho bà con trong việc đi lại, tưới tiêu. "Đồng ruộng thẳng cánh cò bay, nước vào tận ruộng, nông dân không còn vất vả như trước nữa", anh Hoàng Văn Binh (thôn Thổ Khối) nói. Đáng mừng hơn, từ khi dồn điền, đổi thửa, bà con Đồng Tiến đã có điều kiện phát triển kinh tế gia đình theo mô hình VAC. Hiện toàn xã có 10 trang trại áp dụng mô hình này, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như trang trại của anh Hoàng Văn Khương, Hoàng Văn Hà (thôn Kim Tháp)... cho thu nhập 30 - 60 triệu đồng /năm. Gia đình anh Hoàng Văn Binh, thu 70 triệu đồng /năm từ 2 lứa cá. "Thấy nông dân các nơi làm giàu, tôi nghĩ chẳng lẽ mình lại không làm được? Được sự khuyến khích của lãnh đạo xã, tôi quyết định thầu 1, 2 ha đất, đầu tư 300 triệu đồng để đào ao thả cá, trồng xoài Đài Loan, sau 3 năm tôi thu gần đủ số vốn bỏ ra. Giờ mới thấy, nếu chỉ là mảnh ruộng 1- 2 sào thì chẳng làm ăn gì được", anh Binh tâm sự. Để phát huy ưu thế của đồng trũng, sắp tới xã sẽ chuyển 4-5ha sang làm trang trại tổng hợp, tăng diện tích thả cá lên 22- 25ha.

Nhờ đổi mới tư duy, xuất phát từ lợi ích của người dân, nâng cao tính dân chủ ở cơ sở, những cánh đồng ở Đồng Tiến đã cho mùa vàng.