Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW và Chỉ thị 12 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL, từ năm 2006 đến 2011, 13 tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông, nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi kết hợp với chuyển dịch cơ cấu sản xuất hợp lý giúp nông nghiệp phát triển bền vững, liên tục tăng trưởng với tốc độ cao.
Nông nghiệp vùng ĐBSCL từ năm 2006 đến 2011, Tính từ năm 2006 đến nay, giá trị sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL tăng từ 80.029,5 tỷ đồng lên 101.025,3 tỷ đồng, tăng bình quân 6,14%/năm. Các tỉnh, thành khai thác triệt để các tiềm năng và lợi thế của vùng như sản xuất lúa, cây ăn quả, phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Diện tích trồng lúa trong vùng chú trọng đến thâm canh, tăng năng suất, chất lượng, tăng vụ đã tăng năng suất lúa từ 42,2 tạ/ha năm 2001 lên 54,3 tạ/ha năm 2010 và tăng sản lượng từ 16 triệu tấn năm 2001 lên 21,6 triệu tấn năm 2010, tăng khoảng 0,6 triệu tấn/năm. Lượng gạo xuất khẩu hằng năm mang về kim ngạch xuất khẩu từ 2 5 đến 3 triệu USD. Các loại rau, đậu thực phẩm, cây ăn trái... đã hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung gắn với nhu cầu thị trường đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng. Trên lĩnh vực chăn nuôi, chăn nuôi lợn chiếm một vị trí quan trọng trong chăn nuôi của ĐBSCL. Sản lượng thịt lợn xuất chuồng tăng từ 551 nghìn tấn (năm 2006) lên 694 nghìn tấn (năm 2010) tăng trên 26%. Chăn nuôi gia cầm, đặc biệt là vịt là một ưu thế của vùng. Trong 10 năm qua, chăn nuôi gia cầm của ĐBSCL có những lúc bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh và sụt giảm đàn. Trong hơn 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng đàn bò ở ĐBSCL đạt mức trung bình khá so với cả nước với mức tăng trung bình là 11,27%, trong đó đàn bò sữa là 12,95 nghìn con chiếm 10% đàn bò sữa cả nước. Tốc độ tăng đàn bò sữa trong 10 năm của ĐBSCL tương đối cao khoảng 14,73% năm. Về nuôi thủy sản, ngành thuỷ sản ĐBSCL được đánh giá là vùng có sản lượng và giá trị lớn nhất cả nước, cơ cấu sản xuất chuyển biến theo hướng tích cực là tăng tỷ trọng nuôi trồng và giảm tỷ trọng khai thác. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản tăng nhanh từ 636.200 ha (năm 2006) lên 736.400 ha (2010) đạt sản lượng nuôi trồng thuỷ sản 1,940 triệu tấn, tăng gấp 4,4 lần 2001. Tốc độ tăng trưởng bình quân 18,2%/năm. Nuôi cá tra trở thành thế mạnh của vùng ĐBSCL. Đến đầu năm 2011, diện tích nuôi cá tra là 5.500 ha và sản lượng đạt 1,15 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD. Năm 2010, sản lượng khai thác toàn vùng đạt 955 ngàn tấn, chiếm 40,4% tổng sản lượng khai thác thủy sản cả nước. Sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, các tỉnh trong vùng đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Tính trong 5 năm 2006-2010, toàn vùng đã đầu tư 1.361 tỷ đồng, bằng 77% kế hoạch được giao. Trong đó vốn ngân sách Trung ương chỉ chiếm 33%, còn lại là nguồn vốn từ địa phương và các nguồn khác. Ngoài ra, trong giai đoạn 2006 - 2010, đầu tư cho thuỷ lợi ĐBSCL chủ yếu qua Chương trình trái phiếu Chính phủ cho 45 dự án với tổng vốn 4.638 tỉ đồng góp phần tăng nhanh khả năng thoát lũ, đạt mức 6.000 m3/s ra sông Tiền, 3000 m3/s ra sông Vàm Cỏ, 4700 m3/s ra biển Tây. Nhờ công trình kiểm soát lũ ở Tứ giác Long Xuyên, đã chậm lũ đầu vụ 30 ngày, giảm độ sâu ngập lụt đầu vụ 30 – 50 cm, giảm độ ngập sâu chính vụ từ 20 – 25 cm, rút ngắn thời gian ngập lụt, duy trì ở mức cao khoảng 45 ngày. Một số thị trấn, huyện lỵ ở Đồng Tháp Mười đã có đê bao, hàng loạt tuyến dân cư dọc bờ kênh các vùng ngập sâu đã có nền nhà vượt lũ an toàn đồng thời tạo nguồn nước ngọt và phù sa vào sâu nội đồng (như Tứ giác Long Xuyên tăng từ 40 – 45%), mở rộng diện tích khai hoang tăng vụ cho 50 vạn ha. Toàn vùng xây dựng được 2.187 km đường giao thông nông thôn đến trung tâm xã, 335 hệ thống công trình thuỷ lợi vừa và lớn, trong đó có 12 công trình phục vụ trên 2.000 ha, hàng ngàn cống cầu lớn nhỏ và hàng ngàn km đường đến các ấp và nhiều công trình khác phục vụ cho việc bố trí và ổn định dân cư, nhờ đó cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng khu vực nông thôn được tăng cường, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của các điểm dân cư, phục vụ mục tiêu phát triển nông thôn mới. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành còn rà soát và bổ sung qui hoạch, bố trí, sắp xếp lại dân cư. Đến hết năm 2010, toàn vùng đã bố trí sắp xếp được 41.894 hộ, đạt 73 % kế hoạch được giao, trong đó bố trí dân cư vùng thiên tai 21.089 hộ, vùng biên giới 1.882 hộ và vùng đặc biệt khó khăn 1.649 hộ. Các tỉnh có số lượng bố trí và ổn định dân cư lớn nhất trong vùng là Đồng Tháp: 15.347 hộ, Long An: 10.790 hộ và Kiên Giang: 6.229 hộ. |