00:00 Số lượt truy cập: 2679211

Đưa hàng về nông thôn: Xây dựng căn cứ địa lâu dài cho hàng Việt 

Được đăng : 03/11/2016

Với trên 70% dân số, thị trường nông thôn được coi là mảnh đất đầy tiềm năng, hấp dẫn các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào khi về với bà con cũng thành công, bởi đầu tư vào thị trường này cần có chiến lược kinh doanh bài bản và dài hạn.


Đưa hàng Việt về NT là một giải pháp mở rộng thị trường của các DN.
Tiềm năng dồi dào

Là một trong những đơn vị tham gia "Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" mà cụ thể là chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn", Công ty cổ phần Khóa Việt Tiệp đã thu được nhiều kết quả khả quan, tạo hiệu ứng tốt đối với người tiêu dùng ở nông thôn.

Đại diện Công ty cho biết, nông thôn là thị trường rộng mở, tiềm năng khai thác còn nhiều. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tổng số hộ có nhà trong cả nước là 22.186.275 hộ, tỷ lệ hộ không có nhà ở khoảng 0,52%. Trong đó, số hộ có nhà ở đô thị là 6.756.726 hộ, khu vực nông thôn là 15.429.549 hộ, chỉ có 0,45% số hộ ở nông thôn chưa có nhà. Con số này cho thấy, nông thôn thực sự là thị trường lớn của khóa Việt Tiệp.

Nắm bắt được cơ hội đó, Công ty cổ phần Khóa Việt Tiệp đã đề ra nhiều biện pháp nhằm đưa sản phẩm chiếm lĩnh thị trường này. Đầu tiên, Công ty đầu tư kinh phí nghiên cứu thị trường thay vì cắt giảm ngân sách như nhiều đơn vị khác; thường xuyên chăm sóc khách hàng bằng cách phân tuyến thị trường, khu vực tới từng cán bộ quản lý, nhân viên bán hàng. Các nhân viên cũng được yêu cầu đảm bảo việc xây dựng kế hoạch và doanh số hàng tháng, ưu tiên cho thị trường vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, do thị trường nông thôn còn thiếu thông tin nên Công ty quyết định tăng cường chiến dịch quảng bá, phát tờ rơi, băng rôn, tổ chức các chương trình khuyến mãi, chiết khấu lớn... Nhờ đó, giá trị sản xuất năm 2010 của Công ty đạt 141,1%, doanh thu đạt 113,4% so với kế hoạch...

Ông Nguyễn Đình Võ Đức, đại diện Công ty cổ phần Acecook Việt Nam cho biết: "Nông thôn là thị trường không mới nhưng còn nhiều chỗ trống, vì thế khi đưa hàng về thị trường này, chúng tôi lựa chọn sản phẩm phù hợp với từng địa bàn. Đặc biệt, chúng tôi khoanh vùng và quản lý chặt chẽ nhà phân phối, đồng thời đẩy mạnh khai thác chợ đầu mối bán buôn, triển khai nhiều chương trình bán hàng trực tiếp... Tuy nhiên, điều chúng tôi luôn tâm niệm là bên cạnh việc đưa ra các "chiến dịch" bán hàng thì chất lượng hàng hóa phải luôn đảm bảo. Có lẽ vì thế mà các chuyến hàng về nông thôn của chúng tôi luôn nhận được sự ưu ái của người dân".

Tiếp tục "tấn công"

Mặc dù gặt hái nhiều thành công nhưng theo ông Đức, do địa bàn nông thôn hạ tầng chưa hoàn thiện, dân cư phân bố thưa thớt, mức thu nhập thấp... nên Acecook chưa có điều kiện khai thác hết tiềm năng của thị trường này.

Là một trong những đơn vị tích cực tìm kiếm thị trường ở khu vực nông thôn, ông Đặng Chí Hùng, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Nhôm - Nhựa Kim Hằng cho biết, Công ty đang có những kế hoạch để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa như tích cực tham gia hội chợ, các đợt tổ chức bán hàng về nông thôn. "Ở nông thôn, chúng tôi đưa ra mức giá hợp lý, chương trình khuyến mãi hấp dẫn để người dân nông thôn có thể tiếp cận, cảm nhận về sản phẩm của Kim Hằng tốt hơn", ông Hùng nói.

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, để thị trường nông thôn thực sự thuộc về doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Công Thương nên hỗ trợ doanh nghiệp trong các chuyến hàng đầu tiên. Hiện nay, các doanh nghiệp tham gia Cuộc vận động chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi chi phí cho những chuyến hàng này rất tốn kém, nếu không có cơ chế hỗ trợ thì các doanh nghiệp khó trụ được trong thời gian dài, khiến thị trường nông thôn bị bỏ ngỏ.

Cũng theo bà Hạnh, muốn cạnh tranh tốt, các doanh nghiệp Việt phải nắm bắt được quy luật vận hành và dòng chảy của hàng hóa, đồng thời cần có một chiến lược kinh doanh chuyên nghiệp cũng như xây dựng bản đồ phân phối hàng hóa cho thị trường. Đưa hàng về nông thôn là xây dựng căn cứ địa lâu dài cho hàng Việt và muốn thế, chúng ta cần kiên trì và làm mới phương thức vận động, tiếp cận. Đó là cách chúng ta dần dần giành lại thị phần từ các nhà bán lẻ nước ngoài và góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt.

BOX: Từ tháng 3/2009 đến nay, đã có 65 phiên chợ Đưa hàng Việt về nông thôn được BSA và các đối tác phối hợp tổ chức tại 24 tỉnh, thành phố; đạt 56,229 tỷ đồng doanh thu; 995.895 lượt người đến tham quan và mua sắm; 1.680 lượt doanh nghiệp, 188 doanh nghiệp tham gia chương trình; 20 doanh nghiệp tăng từ 100 - 200% doanh số thị trường nông thôn sau khi tham gia chương trình; 300 nhà phân phối, đại lý mới tại các địa phương được kết nối.