Gần 3 nghìn hộ nông dân có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm trở lên ở Ninh Bình
Được đăng : 03/11/2016
Hội nông dân tỉnh Ninh Bình đang thực hiện nhiều phương thức giúp người nông dân xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình: hỗ trợ vốn cho nông dân thông qua quỹ hỗ trợ nông dân của các cấp hội, phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn giúp cho hộ nông dân nghèo vay vốn chăn nuôi, trồng trọt và phát triển sản xuất. Nhờ những nguồn vốn trên, đến nay toàn tỉnh đã có gần 3 nghìn hộ nông dân có thu nhập từ 50 triệu đồng/năm trở lên.
Hội nông dân các cấp trong tỉnh đã thành lập được 848 "tổ tiết kiệm" để thực hiện việc phân bổ và sử dụng nguồn vốn đến với từng nông dân được công bằng và hiệu quả hơn. Những "tổ tiết kiệm" này sẽ cho các hộ nông dân trong thôn, xóm vay để phát triển kinh tế theo hình thức quay vòng vốn, đến nay đã có trên 40 nghìn hộ nông dân được hỗ trợ vay 340 tỷ đồng. Thêm một cách làm hay của Hội nông dân trong thời gian qua chính là việc cho vay vốn giúp người nông dân thoát nghèo theo hình thức "bắc cầu". Bằng phương pháp thực hiện này rất nhiều hộ nông dân đã vươn lên thành những hộ phát triển kinh tế giỏi và giải quyết được việc làm, có thu nhập ổn định cho 25 nghìn lao động. Điển hình như hộ anh Đoàn Ngọc Sơn ở xã Yên Nhân (Yên Mô - Ninh Bình) là hộ sản xuất kinh doanh giỏi đã được Hội nông dân phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội cho vay 200 triệu đồng để đầu tư mở rộng quy mô nhà xưởng, tạo việc làm cho 60 lao động tại chỗ và hàng ngàn lao động thuộc 6 xã, thị trấn trên địa bàn với mức thu nhập từ 550 nghìn đồng đến 700 nghìn đồng/tháng.
Xác định một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo của người nông dân là thiếu hiểu biết kiến thức về khoa học kỹ thuât, thiếu vốn đầu tư. Vì vậy, Hội nông dân tỉnh rất chú trọng tới việc mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp bà con có kiến thức và phương pháp để sử dụng nguồn vốn có hiệu quả. Để giúp hội viên nông dân thoát khỏi tình trạng này Hội nông đân tỉnh đã mở được trên 300 lớp chuyển giao kỹ thuật nuôi, trồng giúp cho hàng nghìn lượt người. Nhờ đó, nhiều giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao: ngô ngọt, dưa bao tử, ớt ngọt, dê sinh sản, bò lai sind, thỏ NewZealand... đã được người nông dân đưa vào chăn nuôi, trồng thử trên đồng đất địa phương tạo thành những vùng sản xuất hàng hoá có giá trị kinh tế cao./.