00:00 Số lượt truy cập: 2669107

Gia Lai: Chế tạo tủ bảo quản thực phẩm, nông sản khô không dùng hóa chất 

Được đăng : 03/11/2016

Sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, kỹ sư Phạm Văn Long hiện đang công tác tại Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai đã sáng chế thành công tủ bảo quản thực phẩm, nông sản không dùng hóa chất. Với công cụ này, có thể giúp người tiêu dùng yên tâm bảo quản thực phẩm và nông sản không gây độc hại, ít tốn kém.


Xuất phát thực tế


Từ thực tế cho thấy các sản phẩm, phụ phẩm khô giàu đạm thường bị nấm mốc xanh xâm hại làm hư hòng và nếu sử dụng sẽ gây độc cho người sử dụng. Đặc biệt là mùa mưa ở Gia Lai ẩm độ cao kéo dài, loại nấm mốc này phát triển rất nhanh. Thông thường, để bảo quản các nông sản khô tránh ôi mốc, phổ biến nhất là người ta dùng bao bì hút chân không, hoặc bao bì có các chất khí kháng nấm và chống ô xi hóa.


Với mực khô, để bảo quản, chống mốc, người ta thường tẩm các hóa chất. Với măng khô, người ta thường xông hơi lưu huỳnh…Các phương pháp bảo quản này chi phí lớn, hơn nữa việc khử nấm bằng hóa chất gây nên tác dụng phụ là sản phẩm bảo quản bị ô xi hóa, biến chất, tạo mùi lạ, làm cho sản phẩm bị biến đổi về mặt kết cấu cơ học, cứng đanh, giảm phẩm chất, giảm độ ngon, thậm chí rất độc hại nguy hiểm đến sức khỏe người tiêu dùng.


Từ những hạn chế trên, kỹ sư Phạm Văn Long đã khảo nghiệm, chế tạo tủ bảo quản ức chế nấm bằng cách tạo dòng lưu chuyển không khí trong buồng bảo quản thực phẩm, nông sản không dùng hóa chất.


Cấu tạo và nguyên lý hoạt động


Theo cách làm của anh Long, đóng 1 hình hộp hình khối chữ nhật, dung tích 1 m3 , phía dưới gắn 2 quạt, phía trên gắn 1 quạt 220 vôn mini theo hướng ngược chiều, tạo thành vòng xoáy đảo không khí khi vận hành quạt. Khoảng giữa hộp làm các gác, đặt các vỉ bằng lưới thưa, dùng để chứa sản phẩm cần bảo quản. Tùy thời gian mùa vụ và tùy số lượng sản phẩm bảo quản, thời tiết… có thể bật quạt liên tục hoặc định kỳ nhằm tạo sự thông thoáng, giảm thiểu độ ẩm và nhiệt độ trong thùng bảo quản. Với buồng bảo quản 1 m3 có thể bảo quản được 50 kg thực phẩm, phụ phẩm khô. Nhiệt độ buồng bảo quản thường thấp hơn nhiệt độ ngoài môi trường từ 5-7 độ C (24-25 độ C). Ẩm độ trong buồng bảo quản thường thấp hơn ẩm độ môi trường 10 - 20%. Tuy nhiên, trong điều kiện thông thoáng tối đa, ẩm độ bề mặt đã được giảm tới mức tối thiểu, với nhiệt độ mát, nấm mốc không thể phát triển được.


Tủ hoạt động theo nguyên lý: Nấm mốc luôn có sẵn trong không khí, bám sẵn trong các sản phẩm, phụ phẩm…, khi gặp điều kiện thuận lợi (ẩm độ cao, nhiệt độ cao - nóng ẩm) nấm sẽ phát triển sinh ra độc tố. Để ức chế sự phát triển của nấm mốc xanh, cần tạo ra sự thông thoáng, giảm ẩm độ, giảm nhiệt độ. Kết cấu tủ chống mốc mô tả ở trên đảm bảo được cả ba yêu cầu về độ thông thoáng, giảm ẩm độ (đặc biệt là ẩm độ bề mặt) và nhiệt độ làm cho nấm mốc xanh không phát triển.


Bảo quản bằng phương pháp này nấm mốc xanh không phát triển, thành phần hóa lý của sản phẩm không thay đổi, chất lượng sản phẩm được đảm bảo, chi phí giá thành và công sức rẻ. Cụ thể là sản phẩm khô dầu bảo quản bằng công cụ này để được hàng tháng không bị mốc xanh. Trong khi, nếu để ngoài không khí khoảng 1 tuần sẽ bị mốc xanh xâm hại toàn bộ.


Người tiêu dùng có thể tận dụng vật liệu, tự ráp thành một tủ để bảo quản thực phẩm, nông sản khô cho gia đình. Chỉ cần đầu tư mua quạt mi ni khoảng 300.000 đồng. Tổng chi phí đầu tư để có chiếc tủ bảo quản 1 m3 công suất 50 kg thực phẩm, phụ phẩm mất khoảng 500.000 đồng. Chi phí điện mỗi tháng hết khoảng 20.000-30.000 đồng là giá rất rẻ so với việc dùng hóa chất và các phương tiện bảo quản khác.


Hương Trà

(Liên hiệp các hội Khoa học & KT tỉnh Gia Lai - ĐT: 0914275380)