Những năm qua, mặc dù gặp khó khăn rất lớn do dịch bệnh, năm 2008 lại chịu ảnh hưởng do cạnh tranh trên thị trường, giá thức ăn tăng cao, song huyện Gia Lộc vẫn đạt 6.320 tấn cá các loại, đạt 100,1% kế hoạch, tăng 3,7% so với năm 2007.
Đến hết năm 2008, Gia Lộc đã chuyển đổi được 922,41 ha, chiếm 75,6% diện tích đất trũng. Trong đó, đưa vào nuôi cá 690 ha, còn lại là trồng cây. Toàn huyện có 135 vùng nuôi thuỷ sản, chủ yếu được hình thành từ những khu vực đất trũng cấy lúa một vụ bấp bênh năng suất thấp, chuyển sang đào ao nuôi thả cá, tập trung ở một số xã điển hình như Hoàng Diệu, Thống Kênh, Hồng Hưng, Liên Hồng… Trong nuôi thuỷ sản, huyện khuyến khích nông dân nuôi bằng phương thức công nghiệp và bán công nghiệp. Tỷ lệ nuôi các giống thuỷ sản lai từ 2 đến 3 máu ngày càng nhiều. Do đó, năng suất, sản lượng cá ngày càng cao. Ở các vùng chuyển đổi, đa số các hộ nông dân đều nuôi cá kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm trên bờ. Điển hình như hộ bà Hoạch ở thôn Lai Cầu (xã Hoàng Diệu) với diện tích 3 mẫu ruộng trũng, cấy một vụ lúa bấp bênh, bà đã chuyển đổi kết hợp nuôi cá, nuôi lợn, gà và trồng cây ăn quả để tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ. Đến nay, bà đã có hệ thống chuồng trại khang trang, bờ ao xây kiên cố, mỗi vụ cho thu hoạch 7 tấn cá rô, và một số giống cá khác như chim trắng, chép lai; trong chuồng lúc nào cũng có 180-200 con lợn, 100-150 con gà… Trừ chi phí, mỗi vụ gia đình bà Hoạch thu lãi 40-50 triệu đồng.Nông dân Gia Lộc nuôi nhiều giống cá mới (rô phi đơn tính, chim trắng, chép lai 3 máu), chiếm 70-80% số cá nuôi. Đây là các giống cá khá dễ tính, ăn tạp, hiệu quả kinh tế cao.
Thức ăn chủ yếu là các nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương và tăng cường sản xuất thức ăn tại chỗ. Đi đầu trong nuôi thuỷ sản theo phương thức công nghiệp là các hộ anh Thuỷ ở thôn Phương Bằng (xã Hồng Hưng), hộ ông Điện (xã Thống Kênh)… chủ yếu nuôi cá bằng thức ăn sẵn, kết hợp với thức ăn tận dụng trong chăn nuôi, vừa đem lại hiệu quả cao, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường. Hầu hết các hộ nuôi thủy sản trong huyện đều chủ động trong việc vệ sinh ao, phòng, trị bệnh cho cá, đặc biệt khi thời tiết chuyển mùa. Chị Mai Thị Nguyên, ở thôn Phương Bằng cho biết, mỗi vụ thu hoạch cá xong, gia đình chị phải làm vệ sinh, phơi ao, rắc vôi khử trùng cẩn thận rồi mới thả cá mới nên cá ít bị bệnh. Các tổ chức đoàn thể trong huyện, xã cũng thường xuyên tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và giới thiệu tham quan một số mô hình nuôi cá có hiệu quả cho bà con tham khảo; đồng thời đưa vào khảo nghiệm nhiều giống cá mới có năng suất cao như: rô phi lưỡng tính, chim trắng, chép lai…Xã Hoàng Diệu đã đầu tư 68 triệu đồng để nạo vét, cải tạo hệ thống mương cấp thoát nước và cải tạo nâng cấp đường giao thông, đường điện nhằm tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển nuôi thủy sản. Đến nay, tổng diện tích nuôi thủy sản của xã là 78,6 ha, sản lượng cá thu được 326,2 tấn/vụ, bình quân đạt 47 triệu đồng/ha. Giá trị thủy sản thu được năm 2008 đạt 3 tỷ 693,3 triệu đồng, vượt 4% kế hoạch, tăng 3,6% so với năm 2007.
Cùng với trồng lúa và các ngành nghề dịch vụ, nuôi thuỷ sản đã và đang trở thành một ngành cho thu nhập khá ở Gia Lộc, đồng thời là một nghề giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương, góp phần cải thiện đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Với diện tích ao hồ sẵn có, cùng với một lượng lao động nông nhàn khá lớn, xã Hồng Hưng đã thực hiện chuyển đổi từ diện tích ruộng trũng cấy lúa bấp bênh sang đào ao thả cá, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Toàn xã đã chuyển đổi được 43,67 ha diện tích đưa vào nuôi thả cá, sản lượng cá đạt 370 tấn. Để giúp bà con có thêm kiến thức trong nuôi thủy sản, UBND xã đã chỉ đạo làm tốt việc vệ sinh môi trường, vệ sinh ao cá, thường xuyên tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ về một số bệnh thường gặp và cách phòng, chống bệnh cho cá; mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi thủy sản cho bà con, giúp họ trau dồi kinh nghiệm và kiến thức trong nuôi thủy sản.Năm 2009, bên cạnh việc tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ, Gia Lộc phấn đấu tăng diện tích nuôi thả cá lên 1.235 ha, sản lượng khoảng 6.755 tấn, tập trung chủ yếu ở các xã Liên Hồng, Đồng Quang, Thống Nhất, Hoàng Diệu, Thống Kênh… Song, để đạt được những mục tiêu trên thì vấn đề đặt ra là huyện cần đẩy mạnh chuyển giao, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi; chuyển dịch cơ cấu vật nuôi phải chú trọng đến việc phòng, trị bệnh cho cá và bảo đảm vệ sinh môi trường, xây dựng và cải tạo cơ sở hạ tầng: đường giao thông, cấp thoát nước, đường điện…