Cây bông vải từng được mệnh danh là cây “xóa đói giảm nghèo” tại vùng đất khó khăn về nước tưới trên đất Gia Lai. Thế mà một thời gian dài cây bông vải mất vị thế so với các loại cây trồng khác như mì, bắp… khiến vùng nguyên liệu bị thu hẹp và đứng trước nguy cơ xóa sổ. Thời gian gần đây, nhờ giá cả tăng cao là cú hích để lấy lại vị thế của cây bông vải trên đât Gia Lai.
Tại vùng đất khó khăn về nước tưới như Kông Chro, Chư Prông, Krông Pa, Chư Sê, Chư Pưh… và vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống của tỉnh Gia Lai, cây bông vải từng được mệnh danh là cây “xóa đói giảm nghèo”. Từ năm 2001 đến 2005, cây bông vải chiếm diện tích lớn trong cơ cấu cây trồng của tỉnh với gần 6.000 ha. Tuy nhiên, trong những năm tiếp theo, do không thể cạnh tranh giá cả với các loại cây trồng khác như mì, bắp…, cây bông dần đánh mất vị thế và vùng nguyên liệu bị thu hẹp chỉ còn 200 ha, khiến nhà máy chế biến tại Chư Sê thiếu nguyên liệu trầm trọng.
Vị thế của cây bông vải bắt đầu thay đổi khi trong vụ 2009-2010 giá bông vải được Công ty cổ phần Bông Việt Nam - Chi nhánh Gia Lai thu mua theo mức bảo hiểm, thấp nhất từ 7.500 đồng/kg lên 9.500 đồng/kg. Vụ tiếp theo, tăng lên 11.500 - 14.000 đồng/kg. Đến vụ chế biến 2011-2012 này, Chi nhánh tiếp tục nâng giá thu mua lên 17.000 đồng/kg và có thể điều chỉnh tăng theo giá thị trường. Đây là cú hích quan trọng để vực dậy diện tích và vị thế cây bông vải trên đất Gia Lai.
Để khuyến khích người trồng bông phát triển diện tích trở lại, thời gian qua, Công ty cổ phần Bông Việt Nam cũng đã có nhiều chính sách đầu tư và thu mua ổn định như: hỗ trợ 50% tiền hạt giống, phân bón, đưa lực lượng khuyến nông của Công ty xuống các địa phương hướng dẫn nông dân canh tác, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Đặc biệt, giá cả thu mua ổn định đã phần nào giúp người trồng bông yên tâm sản xuất. Trong vụ thu hoạch 2011-2012 này, Công ty đã mua ở mức bảo hiểm thấp nhất cho người trồng bông là 17.000 đồng/kg. Đây là mức giá khá cao và dù lợi nhuận không nhiều nhưng là động lực lớn để vực cây bông trở lại vị thế là cây của người nghèo.
Vụ bông năm 2011, nông dân trên địa bàn tỉnh đã trồng mới được 1.558 ha, tăng 24% so với năm 2010 và tăng 3,9% so với kế hoạch, tập trung tại các huyện: Kông Chro 635 ha, Chư Pưh 235 ha, Chư Prông 227 ha… Tính đến nay, diện tích bông vải toàn tỉnh Gia Lai đã tăng gần 8 lần so với năm 2005. Cây bông có ưu điểm là dễ trồng, chịu hạn nên rất thích hợp với vùng đất khó khăn về nước tưới và phù hợp với trình độ thâm canh của đồng bào dân tộc thiểu số.
Được biết tại vùng trồng bông kể trên, nếu đầu tư thâm canh cây bông đạt năng suất trên 3 tấn/ha. Ngoài ra, bà con đang trồng xen các loại cây ngắn ngày như: đậu, đỗ, ngô để tăng thu nhập.