Xuất nhiều, nhưng vẫn khó!
Theo báo cáo của Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối, năm 2008 lượng cá tra xuất khẩu đạt 640.829 tấn - tương đương kim ngạch 1,453 tỉ đô la Mỹ, tăng đến 65,6% về lượng nhưng kim ngạch chỉ tăng 48,4%. Nguyên nhân là giá cá xuất khẩu bình quân chỉ còn 2,26 đô la Mỹ/ki lô gam - giảm 10,67% so năm 2007. Giá bán cá không cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nhà máy chế biến giảm hoạt động trong nhiều tháng, chỉ thu mua nguyên liệu nhỏ giọt khiến vào tháng 6 và tháng 7-2008, có lúc cá nguyên liệu tồn đọng trong dân lên đến 0,3 triệu tấn!
“Có khách nước ngoài đã hỏi tôi, vì sao cùng một sản phẩm cá nhưng giá chênh lệch nhau đến 3-4 lần!”, ông Dương Tấn Lộc, Phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản thành phố Cần Thơ, nói. Ông Lộc muốn nói 240 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hiện nay chưa bắt tay nhau xây dựng giá bán. “Họ chỉ lo “chọt” nhau dẫn đến giá cá cứ xuống thấp”, ông nói. Cộng thêm tình trạng phát triển vùng nguyên liệu quá nóng khiến cung vượt cầu, khách hàng ép giá. Tuy vậy, cũng phải nhìn nhận thêm nguyên nhân khách quan là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến thị trường tiêu thụ gặp khó khăn về giá bán do người tiêu dùng ở nhiều nước thắt chặt hầu bao. Doanh nghiệp gặp khó, dĩ nhiên người nuôi không tránh khỏi “khủng hoảng” dây chuyền. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN& PTNT), diện tích hầm nuôi cá bị bỏ hiện lên tới 30-50%, tập trung ở các hộ nuôi nhỏ lẻ. Nhiều hộ nuôi khác có xu hướng thả mật độ thưa hơn để giảm mức đầu tư. Đó là hệ quả khó tránh khỏi sau một năm thua lỗ. Bởi kể từ đầu năm 2008, giá thức ăn nuôi thủy sản tăng trung bình 30% so năm 2007 và đáng buồn là mức giá cao ấy - từ 9.500 - 10.500 đồng/ki lô gam thức ăn cho cá và 20.000 - 22.000 đồng đối với thức ăn cho tôm, vẫn duy trì đến hết năm. Và trong khi giá thành nuôi cá tăng bình quân 40% so năm 2007 thì giá bán cá lại không thể tăng. Theo thống kê, trong sáu tháng cuối năm 2008, chỉ có thời điểm giữa tháng 9-2008, một số ít hộ nuôi cá bán được với giá 18.000 đồng/ki lô gam - cao hơn khoảng 1.000 đồng so với giá thành, còn lại các thời điểm khác trong năm đều phải bán... dưới giá vốn. Do đó, dù hiện nay nhiều chuyên gia dự đoán các doanh nghiệp chế biến sẽ gặp tình trạng thiếu nguyên liệu gay gắt vào những tháng đầu năm, nhưng theo ông Lê Vĩnh Tân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: “Có thể chưa vội phát động các hộ “treo” ao nuôi lại, mà cần xem lại cách phát triển, giải quyết tốt quan hệ giữa người nuôi và nhà chế biến. Bởi nuôi không hiệu quả thì “treo” ao còn nhẹ hơn nuôi mà không có lãi!”. Con cá - đạt tỷ lệ tăng trưởng về kim ngạch cao nhất so với các nhóm thủy sản xuất khẩu, đã vậy thì con tôm cũng không thể thuận lợi. Dù lượng tôm xuất khẩu trong năm qua đạt 191.553 tấn - tăng 18,8% so năm 2007, nhưng kim ngạch chỉ đạt 1,626 tỉ đô la Mỹ, tức chỉ tăng 7,7%. Theo ông Nguyễn Thông Nhận, Phó giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Cà Mau, do phải cạnh tranh gay gắt với tôm thẻ chân trắng, thị trường suy giảm nên nhiều nhà máy hiện chỉ hoạt động 30% công suất. Hàng loạt công nhân đã phải nghỉ luân phiên chờ việc và nhận số tiền trợ cấp khiêm tốn 300.000 đồng/tháng. Còn các hộ nuôi, sau một năm điêu đứng vì giá nuôi bằng... giá bán, nhiều hộ đã “treo” vuông. Tháng 1-2009, kim ngạch xuất khẩu tôm của Cà Mau chỉ bằng 50% so cùng kỳ do thiếu thị trường và thiếu nguyên liệu. Để duy trì khách hàng, một số doanh nghiệp buộc phải mua tôm nguyên liệu cao hơn giá bán khoảng 10.000- 20.000 đồng/ki lô gam. Cần tự mình gỡ khó Một số chuyên gia dự báo, lượng tôm xuất khẩu có thể giảm đến 30% trong năm nay. Còn con cá tra, dù theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) là thị trường sẽ tốt hơn, nhưng nếu xuất khẩu không đạt tỷ suất lợi nhuận khả quan hơn thì khó mong gỡ khó cho doanh nghiệp và người nuôi. Tại sao không giảm được giá thành sản xuất trước, tính chuyện liên kết giữ giá bán ổn định sau? “Khi lỗ, người nuôi cứ “kêu” nhà chế biến mà sao không “kêu” nhà cung cấp thức ăn, con giống?”, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP, thanh minh phần nào cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Bởi theo tính toán sơ bộ của Cục Nuôi trồng Thủy sản (Bộ NN & PTNT), chi phí thức ăn trong nuôi cá của vụ đầu năm 2009 chiếm tới 75,9% giá thành, còn nuôi tôm chiếm khoảng 41,7-66,7% giá thành - một tỷ lệ khá cao. “Nhưng chúng ta lại không thể áp đặt giá cho nhà cung cấp thức ăn. Vậy quản lý thế nào?”, ông Dũng nói. Theo dõi diễn biến về giá bán cá và giá bán thức ăn trong sáu tháng cuối năm 2008, có một điều “ngẫu nhiên” là cứ giá bán cá tăng thì giá thức ăn tăng theo, khi giá cá giảm dần thì giá thức ăn cũng... giảm theo! Đó là lý do khiến nhiều chuyên gia hoài nghi giá bán thức ăn được xây dựng theo giá cá, giá tôm chứ không theo giá thành và tỷ suất lợi nhuận của chính ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Lâu nay, người nuôi thủy sản ở Việt Nam phải mua thức ăn (chưa nói đến chất lượng) với giá cao hơn từ 20-30% so với người nuôi ở Thái Lan, Trung Quốc... Và nếu thức ăn kém chất lượng, dĩ nhiên giá thành càng cao hơn. Theo Sở NN & PTNT tỉnh Cà Mau, vừa qua tỉnh tổ chức gặp mặt một số nhà cung cấp thức ăn, thuốc thú y... và họ hứa sẽ giảm giá sản phẩm trong bối cảnh người nuôi đang gặp khó, nhưng đến giờ giá bán vẫn vậy - cao ngất. “Đề nghị Bộ NN & PTNT đưa ra cơ chế và quy định cụ thể về quản lý để làm rõ chất lượng và giá thức ăn”, ông Dũng kiến nghị. Đồng tình ý kiến trên, ông Nguyễn Việt Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản (cũ), đề nghị thí điểm cho nhập thức ăn từ nước ngoài về. “Nếu không, các nhà sản xuất và cung cấp trong nước khó tự nguyện hạ giá”, ông nói. Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Vũ Văn Tám thừa nhận: “Đúng là thời gian qua kiểm soát giá thức ăn thủy sản chưa tốt. Nhưng vừa qua, Chính phủ đã đưa nguyên liệu sản xuất thức ăn nhập khẩu vào nhóm đối tượng bình ổn giá, do đó bộ sẽ xem xét để có thể đề nghị đưa cả thức ăn thành phẩm vào nhóm này, buộc doanh nghiệp phải công khai, minh bạch về giá”. Theo ông Thắng, con giống cũng là lý do khiến giá thành sản xuất tôm, cá tăng cao do chất lượng kém. “Thời gian qua, con giống phung phí khủng khiếp vì hao hụt”. Theo phân tích của ông Lộc, trong khi giống lúa ngày một tốt hơn thì giống cá tra ngày càng thoái hóa. “Hiện tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi cá lên đến 30-80%, khiến sản lượng mất từ 30-70%. 15 năm qua, ai quan tâm về giống?”, ông lo lắng. Ông Dũng cho biết, Thái Lan sẽ chi đến 10 triệu đô la Mỹ cho chương trình nghiên cứu giống, còn Việt Nam nếu không làm tốt thì chất lượng giống cá ngày càng đi xuống. Giống và thức ăn không kiểm soát được thì khó tính chuyện hạ giá thành sản phẩm.