Như cơn mưa đầu mùa, Quyết định số 497/QĐ-TTg (ngày 17-4-2009) về hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp… xoa dịu phần nào “cơn khát” vốn cho nông dân. Tuy nhiên, “mưa vốn” lần này - nói theo kiểu nông dân, chỉ mới làm ướt bề mặt.
Nhu cầu lớn
Ông Trần Hoàng Minh (Tư Minh), nông dân sản xuất lúa giống ở huyện Thoại Sơn (An Giang) canh tác 4ha lúa, mỗi năm sản xuất 60 - 70 tấn lúa giống các loại. Lúa giống nhưng khi bán cho nông dân khác về hình thức cũng giống như bán lúa hàng hóa. Vì thế, Tư Minh muốn hạt giống của mình làm ra phải có bao bì riêng, ghi rõ xuất xứ và một số thông tin vắn tắt về loại giống đó, tóm lại Tư Minh muốn làm thương hiệu riêng cho cho hạt giống của mình.
Tuy nhiên, để làm như vậy, theo Tư Minh, vấn đề đầu tiên là hoàn thiện máy móc trang thiết bị khép kín quy trình sản xuất. “Máy gặt đập, lò sấy, xe tải nhỏ…, ước tính vốn đầu tư khoảng 300 triệu đồng. Mình làm gì có vốn để đầu tư các loại máy móc được xem là tài sản cố định ấy”, Tư Minh nói.
Nông dân hiện rất cần vốn để mua máy móc, phương tiện sản xuất (trong ảnh: Nông dân Bến Tre chế biến dừa thủ công do thiếu máy móc). Ảnh: T.M.T.
Cá nhân đã thế, với mô hình làm ăn tập thể cũng không khá hơn. Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Bình Hòa (Thanh Bình - Đồng Tháp) Nguyễn Văn Mẫm, than vãn: “HTX có 560ha đất trồng lúa, với 2 cái máy gặt đập liên hợp mỗi năm mới chỉ giải quyết khâu gặt đập cho tối đa 20% diện tích lúa của xã viên. Nếu vay được vốn theo chương trình của Chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư trang bị thêm máy gặt để giải quyết bức xúc thiếu lao động khi vào mùa thu hoạch”.
Ông Phạm Văn Tới, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết, nhu cầu vốn trong nông dân rất lớn nhưng tập trung nhiều ở khâu thu hoạch. Toàn huyện Chợ Gạo hiện có chưa tới 80 máy gặt, trong đó chỉ có khoảng 7 máy gặt đập liên hợp, còn lại là máy gặt xếp dãy. Với số lượng này, hằng năm yêu cầu cơ giới hóa khâu thu hoạch chỉ mới thực hiện được khoảng 40% - 50% diện tích.
Máy móc tự chế “đứng bên lề”
Theo Quyết định 497, Nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất 100% và 4% đối với các khoản vay ngắn, trung hạn của các tổ chức, cá nhân vay để mua sắm máy móc, thiết bị, phương tiện, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn.
Nhóm sản phẩm máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện phục vụ sản xuất và chế biến nông nghiệp, mức tiền vay tối đa bằng 100% giá trị hàng hóa (riêng đối với máy vi tính, mức tiền vay tối đa không quá 5 triệu đồng/chiếc) và được hỗ trợ 100% lãi suất vay. Theo Tư Minh, đây là chủ trương làm thỏa lòng mong mỏi của nông dân. Nhưng kỳ hạn cho vay nên “mềm dẻo” hơn, tùy thuộc vào tỷ lệ vốn đối ứng của nông dân. Ông đề xuất: “Thời hạn cho vay nên là 3 năm là vừa, bởi nông dân còn phải gánh chịu trực tiếp thiên tai, dịch bệnh… trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh”.
Tuy nhiên, Quyết định 497 cũng yêu cầu các mặt hàng trên phải là sản phẩm được sản xuất trong nước, được đăng ký, niêm yết giá bán và có nhãn hàng hóa theo quy định.
Theo ông Nguyễn Văn Lang, nhà sáng chế máy gặt đập liên hợp ở Cái Bè (Tiền Giang - giải nhất hội thi máy gặt đập ĐBSCL năm 2008, giải nhì năm 2009), quy định này hơi khó cho những nhà sáng chế “chân đất”. Phần lớn các máy gặt đập liên hợp sản xuất trong nước hiện nay khó đáp ứng đủ các yêu cầu theo quy định. Chính vì vậy, quy định này khiến những cơ sở sản xuất của nông dân “đứng bên lề”, nhường sân cho những nhà lắp ráp trong nước nhưng lại nhập linh kiện. “Nên chăng, nhà nước nên có thêm chính sách ưu đãi để hoàn thiện các chế tạo của nông dân song song với biện pháp kích cầu tiêu dùng trong nước một cách toàn diện”, Năm Sanh, nông dân sáng chế máy gặt đập (giải 3 Hội thi máy gặt đập ĐBSCL năm 2008) ở Cần Thơ nói.
Hiện tại giá một cái máy gặt đập liên hợp khoảng 200 triệu đồng, theo tính toán mỗi năm thu khoảng 60 triệu đồng, nên thời hạn cho vay ở mức 3 năm là vừa.