00:00 Số lượt truy cập: 3230622

Giải pháp nâng cao thu nhập ở Mê Linh 

Được đăng : 03/11/2016
Nếu như trước đây, việc trồng dâu, nuôi tằm ở xã Mê Linh (Lâm Hà - Lâm Đồng) chủ yếu tập trung ở các hộ người Kinh thì hiện nay, một số bà con đồng bào dân tộc thiểu số cũng mạnh dạn áp dụng mô hình này bởi nó là mô hình kinh tế mang lại cuộc sống ổn định.

Gia đình ông Ha Tông ở thôn Hang Hớt là người dân tộc thiểu số đầu tiên trong thôn mạnh dạn học theo người Kinh thực hiện trồng dâu nuôi tằm. Hàng năm, ông nuôi 9-10 đợt kén, mỗi đợt trên dưới 50kg kén, sau khi trừ chi phí thu được trên 10-15 triệu đồng. Cây dâu, con tằm đã giúp gia đình ông không còn cảnh thiếu ăn như trước. Ông Ha Tông cho biết: “Nếu so ra thì trồng dâu nuôi tằm không bằng cây càphê nhưng cũng giúp gia đình tôi có thêm thu nhập. Tuy nhiên, hiện giá kén không ổn định nên tôi mong Nhà nước có giải pháp hỗ trợ để ổn định giá cả đầu ra cho bà con yên tâm sản xuất.

Tuy nhiên, phần lớn những hộ dân tộc thiểu số ở Mê Linh vẫn đang nuôi tằm theo hình thức nhỏ lẻ, mỗi hộ chỉ nuôi 1-2 hộp trứng, tương đương 0,5 -1kg trứng tằm. Gia đình chị Ka Loan ở thôn Hang Hớt cũng nuôi tằm được bốn năm. Hiện chị đang chuẩn bị nuôi đợt mới. Bắt đầu trời mưa nên dâu có lá. Tôi đang đặt trứng, chuẩn bị nuôi. Trồng càphê một năm mới cho thu hoạch một lần nên tôi nuôi tằm để có thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày, chị Ka Loan cho biết.

Theo thống kê, xã Mê Linh có gần 50 hộ người DTTS trồng dâu, nuôi tằm. Những năm gần đây, do giá càphê tăng cao nên nhiều hộ đã phá bớt dâu để trồng càphê, hoặc trồng xen kẽ cà phê với dâu. Mặc dù vậy, một số hộ đồng bào DTTS vẫn duy trì nuôi tằm bán kén trong lúc chờ càphê thu hoạch. Ông Lơ Mu Bôn, Phó thôn Hang Hớt cho biết: “Thôn chúng tôi có khoảng 14-15 hộ trồng dâu nuôi tằm. Cây dâu con tằm giúp bà con ổn định cuộc sống. Mong Nhà nước chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ bà con trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Nếu như vài năm trước, trồng dâu nuôi tằm được xem là thế mạnh của xã Mê Linh thì nay, nghề này chỉ được xem như một giải pháp lấy ngắn nuôi dài nhưng cũng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng - vật nuôi của địa phương. Tuy nhiên, các ngành chức năng cần hỗ trợ bà con về mặt kỹ thuật, đầu ra để nghề này phát triển bền vững.