00:00 Số lượt truy cập: 3229425

Giải quyết việc làm bằng trồng nấm bào ngư 

Được đăng : 03/11/2016

Hơn năm nay, nhiều nông dân ở xã Lương Hòa (huyện Giồng Trôm, Bến Tre) nhờ trồng nấm bào ngư mà cuộc sống ổn định. Nghề trồng nấm bào ngư bắt đầu từ khi triển khai QĐ 1956/TTg về giải quyết đào tạo nghề cho lao động nông thôn.


Chương trình được Hội Nông dân xã phối hợp với các Trung tâm dạy nghề tỉnh, huyện mở các lớp dạy các nghề cho lao động trong xã, trong đó có nghề trồng nấm bào ngư. Phần đông số hộ sau học nghề đều đầu tư vốn để cất nhà trại và mua phôi trồng. Toàn xã Lương Hòa đã có trên 20 hộ theo đuổi và nghề này lan rộng ra một số xã lân cận như Bình Hòa, Lương Qưới, Mỹ Thạnh.

Hiện tại, tổ trồng nấm xã Lương Hòa được HTX trồng nấm Thanh Tuyền (huyện Châu Thành) nhận ký hợp đồng tiêu thụ số lượng không giới hạn. Các tổ viên trồng ít nhất 1.000 phôi và nhiều nhất 10.000 phôi. Người trồng khoảng 6.000 phôi đến lứa, mỗi ngày thu hoạch khoảng 50- 60 kg nấm thành phẩm, giá 16.000 đồng – 20.000 đồng/kg. Một số loại nấm được thị trường tiêu thụ mạnh như: bào ngư Nhật, bào ngư sò xám, bào ngư Hoàng Kim…

Nấm thu hoạch cho vào thùng giữ lạnh, sau đó chờ nhân viên HTX Thanh Tuyền đến nhận đưa đi tiêu thụ tại các chợ, siêu thị trong ngoài tỉnh. Tính bình quân mỗi ngày tổ trồng nấm xã Lương Hòa cung cấp cho HTX Thanh Tuyền trên một tấn nấm thương phẩm, nhưng không đủ để tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Dũng (ấp 2, Lương Hòa) cho biết, từ khi xã có chủ trương vận động hộ dân tham gia trồng nấm bào ngư để giải quyết việc làm, ông và một số hộ trong ấp tham gia nên cuộc sống gia đình bớt khó khăn. Trồng nấm bào ngư đòi hỏi người trồng phải biết kỹ thuật và kiên trì chăm sóc từ 15 đến 20 ngày thì các phôi sẽ ra nấm và thu hoạch suốt trong vòng 4 tháng mới dứt, sau đó trồng tiếp đợt 2. Do vốn đầu tư ban đầu khá lớn nên ông chỉ dùng cây, lá để cất nhà trại và trồng 2.000 phôi, trừ đi các chi phí thu lãi gần 3 triệu đồng đợt đầu. Trong 3 chu kỳ tiếp theo, ông chỉ tốn tiền mua phôi và gia công chăm sóc nên lợi nhuận cao gấp 1,5 lần so với chu kỳ đầu.

Ông Võ Văn Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Hòa cho biết thêm: Nếu so với một số ngành nghề khác, thì nghề trồng nấm bào ngư rất thích hợp với lao động nhàn rỗi và hộ nghèo thiếu vốn. Có nghĩa người quá tuổi lao động, hoặc người làm công việc khác còn dư thời gian đều có thể trồng cây nấm bào ngư để kiếm thêm thu nhập.

Hiện nay, Hội Nông dân xã Lương Hòa đứng ra vận động số hộ khá và có kinh nghiệm trong nghề trồng nấm, mỗi hộ có trách nhiệm giúp 2 hộ nghèo vốn đầu tư trồng từ 1.000 đến 2.000 phôi nấm bào ngư để có thêm thu nhập. Sau mỗi lần thu hoạch, hộ này trả dần từ 70 - 80% đến đủ số tiền vay mượn ban đầu. Nhờ mở ra hướng giải quyết việc làm cho lao động theo hình thức trên nên phong trào trồng nấm bào ngư trong xã sôi động hẳn lên.