Là xã thuần nông với 1.591 hộ, trên 3.000 lao động, diện tích đất nông nghiệp chỉ có 350ha nên nhiều người sẽ không ngạc nhiên khi có thời, Tiên Cường có tới 23% số hộ thuộc diện đói nghèo. Trước đây, bà con chỉ canh tác lúa và một vụ đông nên giá trị kinh tế không cao. Được sự giúp đỡ của cán bộ khuyến nông, bà con đã mạnh dạn đưa dưa hấu An Tiêm 103 vào trồng trong vụ hè thu và thu đông. Đây là giống dưa lai F1 do Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam chuyển giao, giá thấp hơn so với các giống dưa nhập ngoại, có khả năng chống chịu sâu bệnh, dễ đậu quả trong mùa mưa và có giá trị thương phẩm cao. Mật độ bình quân 370 cây/sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2), mỗi gốc tuyển một quả. Lúc đầu, mỗi nhà chỉ trồng thử vài sào, sau 5 năm (2002 - 2007), diện tích dưa hấu ở Tiên Cường đã tăng lên 35 ha/vụ.
Theo ông Trần Hữu Du, Phó giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam, dưa hấu An Tiêm 103 đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận và cho phép sản xuất ở một số tỉnh miền Bắc. Khi về đồng đất Tiên Cường, nó đã chứng tỏ khả năng thích ứng và giá trị kinh tế. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng và chăm bón nên năng suất khá cao, vụ hè thu khoảng 30 tấn/ha, vụ xuân 40 tấn/ha. Với giá thu mua 3.000 - 3.500 đồng/kg, bà con có thể thu trên 3 triệu đồng/sào/vụ, trừ chi phí lãi bình quân 2,5 triệu đồng/sào/vụ.
Thời gian sinh trưởng của dưa hấu An Tiêm 103 là 60 - 70 ngày, cây khoẻ, phát triển nhanh. Quả thuôn dài, màu xanh đen có sọc chìm mờ, trọng lượng 3 - 5 kg/quả, ruột đỏ, ngọt đậm, vỏ dai và cứng nên dễ vận chuyển. Kỹ thuật chăm sóc cũng khá đơn giản, với 1 sào Bắc Bộ, bà con có thể dùng 30 - 40kg phân vi sinh, 35 - 40kg phân NPK, urê 2 - 3kg, lân 20 - 25kg, kali 10 - 12kg và vôi 20 - 30kg. Cách bón như sau: bón lót toàn bộ phân vi sinh, vôi bột + 18kg NPK + 3 - 4kg kali. Khi cây ngả ngọn bò, dùng 0,5kg lân + 0,3kg urê pha loãng với nước tưới 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 5 - 7 ngày. Bón thúc lần 1 trực tiếp vào đất khi cây bò dài khoảng 0,8m với 18kg NPK + 4kg kali, thúc lần 2 khi hoa cái đầu tiên nở 2 - 3kg NPK, thúc lần 3 khi quả thứ 2 hay thứ 3 (quả để lớn) bằng nắm tay: 4 - 5kg NPK và 1,5kg kali kết hợp tưới rãnh và bón thúc lần 4 số phân còn lại khi quả nặng 1 - 1,5kg. Nếu ruộng dưa tốt thì không cần bón lần 4. Các biện pháp chăm sóc khác như tỉa nhánh, sửa dây, bấm ngọn, thụ phấn bổ sung, phòng trừ sâu bệnh như các loại dưa khác.
Dịp Tết vừa qua, bà con Tiên Cường cầm chắc hơn 2 tỷ đồng từ bán dưa hấu, nhiều gia đình thu 40 - 50 triệu đồng. Hiện, toàn xã có tới 1.300 hộ trồng dưa hấu, cung cấp chủ yếu cho thị trường Hải Phòng và Hà Nội. Công thức luân canh lúa + dưa hấu + khoai tây ở Tiên Cường đang được coi là hướng đi bền vững. Nhờ dưa hấu, đến nay số hộ nghèo của xã giảm còn 10,5%.