00:00 Số lượt truy cập: 2685477

Gió trầm Hương Khê - Giấc mơ tỷ phú 

Được đăng : 03/11/2016
“Cứ đà này, chỉ dăm ba năm nữa, những hộ sản xuất, kinh doanh gió trầm ở đây sẽ có xe ôtô để đi!”. Ông Nguyên Văn Kính- một nông dân ở Phúc Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh) tự tin “khoe” với chúng tôi như vậy.

Câu nói này làm tôi để ý đến loài cây có cái tên khoa học khó nhớ- Aquilaria crassna, mà dân gian gọi là cây gió bầu - Loài cây đã làm cho nông dân nơi đây đang biến giấc mơ tỷ phú thành hiện thực.
Từ giấc mơ tạo trầm...

“Ngậm ngải tìm trầm” là câu nói truyền miệng ví von về những vất vả, đắng cay gặp phải khi đi tìm trầm. Có người mơ giấc mơ đổi đời, thử vận may nên không quản gian khó lần tìm, ráo riết săn lùng trầm kỳ trong rừng.

Hơn chục năm trước, nhiều người dân ở Phúc Trạch đã bắt đầu nghĩ ra cách gây trồng chúng tại vườn nhà, vườn rừng để tự tạo ra trầm. Trở lại Phúc Trạch lần này, chúng tôi bị hút hồn khi vào một trong những vườn trầm đẹp nhất tại xã Phúc Trạch của anh Phạm Lý ở xóm 5, nghe bảo khu vườn có giá trị xấp xỉ hai tỷ đồng. Anh Lý hái chùm quả trầm trong vườn xuống đưa cho tôi xem.

Việc trồng cây gió trầm bắt đầu bằng con đường tự phát... Vào những năm thập niên 90 thế kỷ trước, người dân nơi đây tự lấy giống gió trầm gieo trồng ngay tại vườn nhà. Theo anh Lý, kỹ thuật lấy giống và gieo trồng trầm cũng khá đơn giản. Mùa quả chín, dân lấy quả, tách hạt và giâm trong cát ẩm hoặc cát pha đất. Sau khi hạt mầm xuất hiện một lá thì cấy vào bầu. Khi cây con lớn khoảng bốn đến năm tháng tuổi có thể đem trồng. Tám đến mười năm sau là đã có thể thu hoạch trầm với trị giá đã gấp cả trăm lần.

Kinh nghiệm tìm trầm của dân nơi đây khá phong phú. Theo họ, trầm không phải khi nào cũng xuất hiện. Có những cây đường kính lớn 50-80cm nhưng chưa hẳn đã có trầm, trong khi có cây chỉ 20 -25cm đã kết tụ. Trầm thường xuất hiện nhiều ở các cây già cỗi, u bướu hoặc có bệnh, thường ở gốc rễ và đoạn thân trên 3m. Dân Phúc Trạch đã đúc rút kinh nghiệm tạo trầm bắt chước trong tự nhiên và có những kết quả thú vị. Có người dùng khoan gỗ thành lỗ thủng trên cây và giữ cho vết khoan không lành miệng để vi khuẩn và nấm dễ dàng xâm nhập vào, sau ba năm các tia trầm hương (tóc trầm) sẽ xuất hiện chung quanh. Có người dùng nêm sắt đã hoen gỉ đóng vào thân cây. Thời gian xuất hiện tóc trầm ngay tức khắc rút xuống chỉ còn hai năm…

Anh Phan Dũng (xóm 10 Phúc Trạch) nổi tiếng là người tạo trầm giỏi trong xã bật mí kinh nghiệm của mình: “Tôi khoan vào thân cây sâu không quá 1/3 bán kính thân, sau đó dùng một loại hóa chất đặc biệt đổ vào vết khoan, chỉ sau một năm rưỡi đã thấy xuất hiện tóc trầm”.

... đến những vườn trầm tiền tỉ!

Thực tế cho thấy, hiện nay ở Phúc Trạch có nhiều nông dân đã trở thành tỷ phú từ cây gió trầm. Ông Phạm Văn Dũng, chủ tịch UBND xã Phúc Trạch hồ hởi cho biết: “Nhờ cây gió trầm mà trong khoảng 10 năm nay, tỷ lệ hộ nghèo trong xã đã giảm rất nhanh. Hiện nay, ở Phúc Trạch có 12.000/15.000 hộ dân chọn hướng ươm giống bán và trồng cây trầm làm mũi đột phá trong phát triển kinh tế.

Trong đó có 400 hộ ươm giống gió trầm thu về từ 20 triệu đến 300 triệu đồng/năm. Điển hình như các hộ Hoàng Phúc xóm 8, Võ Tá Anh xóm 11 thu nhập từ 80 đến 150 triệu đồng/năm. Đặc biệt, hộ ông Lê Thọ ở xóm 8 thu nhập hằng năm từ việc ươm gió trầm lên tới 300 triệu đồng. Đi kèm với việc ươm cây giống, nhiều hộ ở Phúc Trạch cũng đã tự nhân tạo trầm tại vườn nhà rất thành công.

Tổng ngân sách năm 2005 của xã thu về khoảng 22 tỷ đồng thì trầm gió đã chiếm trên 50%”. Tuy vậy, ông Dũng cũng đang lo lắng trước thực trạng vì lợi nhuận mà hiện nay người dân đang đổ xô trồng trầm. Tình trạng tự phát nhổ bưởi trồng trầm tạo ra nguy cơ cao cho sự tuyệt chủng của giống bưởi Phúc Trạch rất nổi tiếng.

Theo con số thống kê năm 2005 của Viện Điều tra quy hoạch rừng - Bộ NN&PTNT cho thấy, tỉnh Hà Tĩnh dẫn đầu cả nước về trồng gió trầm (2.700 ha/8.830 ha). UBND tỉnh đã chính thức phê duyệt dự án và cho đầu tư xây dựng một xưởng chiết xuất tinh dầu gió trầm tại Hương Khê do Ban quản lý rừng phòng hộ Ngàn Sâu làm chủ đầu tư. Dự án đang làm nức lòng và đem đến niềm hy vọng mới cho người dân nơi đây. Phát triển cây gió trầm ở Hương Khê sẽ là cây trồng chiến lược trong tương lai không chỉ trên địa bàn huyện Hương Khê mà còn cho tất cả các huyện miền núi khác.

Rời Phúc Trạch, tôi vẫn bị mê hoặc bởi những câu chuyện về trầm của người dân nơi đây và hình dung về rừng cây gió trầm đang lớn nhanh, lõi tóc trầm kết tạo tua tủa và những cánh rừng trầm trải dài ngút ngàn theo tầm mắt… Giấc mơ tỷ phú ở một vùng đất nghèo không còn là mơ- Chúng đang hiện hữu.