00:00 Số lượt truy cập: 2692369

Giúp nhà nông học nghề, làm kinh tế 

Được đăng : 03/11/2016
Giúp nông dân học và ứng dụng mô hình kinh tế trang trại ở tỉnh Nghệ An thời gian qua đã cho thấy tính hiệu quả và bền vững. Tuy vậy, dạy nghề cho hàng triệu nông dân địa phương và nhiều vùng, miền cả nước trước tiến trình CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn, hội nhập kinh tế quốc tế là một vấn đề lớn cần được quan tâm.



Vườn chanh "hái ra tiền"


Cách vùng cam Xã Ðoài nức tiếng tầm 7 km, hai bên đường dẫn vào xóm Nam Yên, thuộc xã Hưng Yên, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An), dịp cuối năm thời tiết dẫu se lạnh vẫn xanh ngút tầm mắt những vườn chanh trĩu quả. Dẫn khách thăm vườn, ông Phan Bùi Nhì, Chủ tịch Hội Nông dân xã, nhẩm tính đến nay, hơn 120 "trang trại chanh" trái vụ trong xã đang đợi thu hoạch.


Ðứng cạnh máy bơm thuốc trừ sâu chạy điện, tay còn lấm lem bột vôi, anh Hà Mạnh Thắng, chủ trang trại chanh lớn ở xã, phấn khởi khoát tay về dãy vườn nhà: "Tầm dăm tấn chanh trái vụ này, chúng tôi đang chờ đến Tết bán. Nếu được giá như năm 2005, thì 60-70 triệu đồng thu về nằm trong tầm tay!". Còn nhớ năm đó, chanh được mùa, gần 1.000 gốc chanh trong vườn và trên đồi của gia đình anh Thắng cho tới hơn bảy tấn quả trái vụ, và khoảng bốn tấn chanh chính vụ. Anh Thắng nhẩm tính, chanh nghịch vụ bán giá cao khoảng 16-17 nghìn đồng/kg, còn chính vụ bán giá thấp cũng được 10-11 nghìn đồng/kg, gia đình trừ chi phí, còn thu về gần 100 triệu đồng.


Chuyện cây chanh lên ngôi mang lại hiệu quả kinh tế cao bắt đầu dăm năm trở lại đây, sau khi một số người dân tham gia lớp dạy nghề nông dân làm kinh tế trang trại do Hội Nông dân tỉnh tổ chức. Anh Hà Mạnh Thắng, 47 tuổi, nằm trong số những học viên đầu tiên của xóm quyết tâm lên TP Vinh theo học với mong ước làm sao để gia đình và nhiều gia đình vượt đói nghèo vươn lên. "Cứ nhìn thực tế, trước đây người dân chủ yếu dựa vào cây mía, cộng mỗi nhà thêm vài sào lúa, mần răng mà khá nổi. Trong khi, bà con Xã Ðoài chỉ cách mấy cây số, lại "sống khỏe" từ vườn cam, vườn chanh của mình", anh Thắng nhớ lại.


Câu chuyện nông dân Hà Mạnh Thắng và một nông dân khác trong xã, ông Trần Quốc Ân, 56 tuổi, hằng ngày lóc cóc đạp xe hơn 20 km ra thành phố Vinh để nâng cao "nghề" làm vườn, trồng cây, chiết cành quả thực làm không ít bà con trong xã ngạc nhiên. Trong tâm thức nhiều người, con người và mảnh đất nghèo bao đời nay chỉ làm vậy, sống vậy thôi, mùa vụ năm được năm mất hết thảy nhờ... giời! Giống như bao vùng quê nghèo xứ Nghệ, cây chanh được người dân ở đây trồng từ xa xưa. Các cụ già trong làng còn kể, chính loại giống chanh cốm rất hiếm ở vùng đất Xã Ðoài (nay đã có mặt ở đây) từng có mặt tại các bữa yến tiệc mãi tận cung đình Huế!


Thế mà người dân trong xã Hưng Yên dăm năm trở về trước không mấy ai để ý tới cây chanh. Anh Thắng nói rằng, trước đây, bà con trong xã nhiều nhà trồng chanh, nhưng vì giống cũ, lại chưa biết áp dụng KHKT, canh tác giản đơn, kiểu quảng canh, nên "trồng chanh còn kém trồng rau"! Ông Ngô Xuân Quang, Thường trực Ðảng ủy xã Hưng Yên, cho biết thêm, vài người đã mạnh dạn làm thử trang trại, nhưng chỉ theo kiểu tự phát, manh mún, chưa biết đầu tư và tiêu thụ sản phẩm, được chăng hay chớ.


Nằm trong số 61 học viên là nông dân từ 19 huyện, thành phố trong tỉnh theo lớp học làm trang trại đầu tiên do Hội Nông dân tỉnh tổ chức, anh Thắng, ông Ân nay canh tác trên mảnh đất xưa với nhận thức hoàn toàn mới mẻ. Hai học viên sau khi học đã ứng dụng vào công việc trồng, chăm sóc và thu hoạch cây trái một cách cụ thể, bài bản. Những kiến thức về kỹ thuật bảo quản và chế biến sản phẩm sau thu hoạch; phòng, trừ sâu bệnh, dịch hại cho từng loại cây, từng mùa đã được ứng dụng trên khu vườn chanh.


Cách nghĩ, cách làm mới mang lại đổi thay rõ nét cuộc sống bà con vùng đất nghèo. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Yên Phan Bùi Nhì, mấy năm nay, thương lái từ thành phố cứ đến mùa chanh lại "đánh" ô-tô về, đưa quả chanh quê vào tận thị trường trong nam ngoài bắc. Nhận thấy tiềm năng đó, bà con Hưng Yên đã biến những khu đồi trọc, đồi hoang trước đây thành nhiều khuôn viên vườn, trang trại xanh ngút chanh. Bà con còn chủ động bàn bạc góp tiền, góp công, và sự hỗ trợ của chính quyền, xây dựng đập nước và hệ thống tưới, tiêu liên hoàn đưa nước lên đồi. Ông Nhì nói vui, nhờ "vắt" chanh ra... tiền, hộ nghèo ở xã chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số hộ khá, biết làm ăn kinh tế giỏi chiếm tới non nửa. Còn Ngô Xuân Quang lại cho biết: "Chúng tôi đang xúc tiến đăng ký thương hiệu chanh Xứ Ðoài trên đất Hưng Yên giúp bà con mở rộng thị trường".


Nông dân mong có nghề


Cách huyện Hưng Nguyên chừng 300 km, những nông dân vùng đất của đặc sản bánh đậu xanh lại chưa mấy ai đi học mô hình trang trại chanh! Với nhà nông rất nhiều xã, huyện, chuyện học nghề để tìm việc làm mới càng trở nên bức xúc.


Tại tỉnh nông nghiệp thuộc châu thổ sông Hồng, những năm gần đây, Hải Dương đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, tổng dân số khu vực nông thôn tỉnh Hải Dương là 1,46 triệu người, chiếm 86%, trong tổng số 1,7 triệu người toàn tỉnh. Trong đó, số lao động nông nghiệp có hơn 735 nghìn người. Thời gian sử dụng lao động nông nghiệp còn mức cao, gần 79%, trong khi tỷ lệ lao động nông nghiệp đã qua đào tạo mới chỉ đạt gần 21%. - "Vấn đề dạy và học nghề cho đối tượng nông dân trở nên cấp bách hơn bao giờ"- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lê Ðình Khanh nói.


Việc làm cũng được xem là một vấn đề cấp bách tại vùng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, dần hình thành các khu cụm công nghiệp và các khu đô thị mới. Nhiều lao động nông nghiệp thiếu đất canh tác, thiếu việc làm. Theo nhịp phát triển, tiến trình đô thị hóa diễn ra nhanh, nhu cầu về nguồn lao động có tay nghề ngày càng lớn. Hải Dương có gần chục khu công nghiệp, nhiều cụm công nghiệp đã được quy hoạch, trong đó bảy cụm công nghiệp đã tiếp nhận hơn 70 dự án đầu tư. Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, đi liền đó, gần 10 nghìn lao động thuộc vùng giao đất cho công trình, nhà máy có nhu cầu học nghề và việc làm. Hàng vạn lao động nông thôn đang rất cần trang bị kiến thức nghề nghiệp. Cạnh đó, mỗi năm, Hải Dương có hơn 20 nghìn người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm - Lãnh đạo Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm thuộc Hội Nông dân tỉnh cho biết thêm.


Thực tế những năm qua, không chỉ Hải Dương, tại nhiều nơi qua các kênh dạy nghề của nhiều ban, ngành như, các trung tâm thuộc UBND cấp huyện, tỉnh; ngành lao động-thương binh và xã hội; các ngành, đoàn thể, trong đó có Hội Nông dân cùng tham gia dạy nghề cho nông dân. Hệ thống của Hội Nông dân các cấp đã góp phần mình vào nhiệm vụ ấy. Ông Lều Vũ Ðiều, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm nông dân thuộc T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, cho biết, thông qua các hình thức dạy nghề tập trung, dài hạn, ngắn hạn, tập huấn, bồi dưỡng, hội thảo đầu bờ, "lấy nông dân dạy nông dân", từ năm 2001, hệ thống các trung tâm đã dạy nghề cho hơn 84 nghìn lao động nông thôn, trong đó 33 nghìn nông dân được cấp chứng chỉ nghề. Hơn 15 triệu lượt nông dân cũng được tập huấn chuyển giao KHKT.


Theo ông Lều Vũ Ðiều, chất lượng đội ngũ cán bộ Hội quyết định hiệu quả của các lớp dạy nghề cho nông dân. Hơn nữa, Hội chú trọng nâng cao tay nghề, năng lực quản lý cho hội viên, nông dân như lĩnh vực phát triển trang trại, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Bởi vì, đó là những "đầu tàu" dẫn dắt phong trào thi đua học hỏi kinh nghiệm, làm ăn biết gắn với nhu cầu thị trường. Một vấn đề quan trọng không kém là công tác dạy nghề cần chú trọng dạy những nghề mang tính phổ thông, thu hút nhiều lao động. Với đối tượng nông dân có vốn, biết cách làm ăn, nên hướng tới dạy nghề chuyên sâu, giúp họ học xong có thể tự tổ chức sản xuất, quản lý, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm.


Tiếp tục đẩy mạnh công tác dạy nghề và tạo việc làm cho nông dân, Hội Nông dân Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2010: Mỗi năm, dạy nghề cho gần 18 nghìn người; tư vấn và giới thiệu việc làm cho các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp 25 nghìn người; tập huấn, chuyển giao KHKT cho 4,5 triệu lượt nông dân. Ðể thực hiện điều đó, các cấp tỉnh, thành, huyện, thị Hội sẽ mở rộng đến 101 trung tâm, trong đó có bốn trường trung cấp dạy nghề.