Trong 5 năm trở lại đây, đồng bào các dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của 2 huyện Quản Bạ, Vị Xuyên là Nghĩa Thuận, Tùng Vài, Cao Mã Pờ, Tả Ván, Bát Đại Sơn (huyện Quản Bạ), các xã Lao Chải, Xín Chải, Thanh Thuỷ, Thanh Hương, Thanh Đức... (huyện Vị Xuyên) đã hết đói và khá dần lên, nhờ phát triển trồng cây thảo quả.
Đồng bào các dân tộc thiểu số Mông, Dao, Cờ Lao, Pu Péo... (của 2 huyện vùng cao Quản Bạ, Vị Xuyên) sống ở các xã dọc biên giới đã tích cực bảo vệ những cánh rừng nguyên sinh (thuộc khu rừng đặc dụng) Tây Côn Lĩnh và Phong Quang. Trong đó có 17.602 ha rừng tự nhiên, thuộc rừng đặc dụng Phong Quang, địa bàn huyện Quản Bạ và trên 56.000 ha rừng tự nhiên thuộc khu rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh, địa bàn huyện Vị Xuyên được người dân bảo vệ ngày càng tốt hơn. Đồng bào ở những xã biên giới trên được các chương trình, dự án của Nhà nước đầu tư cho vùng đặc biệt khó khăn đã xây dựng cuộc sống mới, chuyển đổi hiệu quả cây trồng, vật nuôi. Cách đây 5 năm trước, những hộ dân vùng biên giới trên đã hết đói với mức hưởng thụ lương thực đạt trên 400 kg/ người/năm. Theo đó, các chương trình đã hướng cho đồng bào phát triển trồng cây thảo quả dưới tán rừng nhằm tạo nguồn thu nhập từ rừng cho họ để xoá nghèo bền vững.
Cây thảo quả mọc tự nhiên dưới những tán rừng nguyên sinh ở các cánh rừng tại các xã biên giới các xã trên. Các huyện Quản Bạ và Vị Xuyên đã cử cán bộ của các ngành kiểm Lâm, nông nghiệp về hướng dẫn cho bà con các xã cách trồng cây thảo quả dưới tán rừng nhằm làm phong phú thêm thảm thực vật dưới tán rừng. Các huyện còn hỗ trợ cho mỗi ha trồng cây thảo quả dưới tán rừng từ 1 đến 1,5 triệu đồng (trong năm đầu trồng mới loại cây này) và tiếp theo các năm sau bà con tự đầu tư, chăm sóc cây thảo quả để thu lợi. Hiện, các xã đặc biệt khó khăn của huyện Quản Bạ có 1.129 ha cây thảo quả và trung bình mỗi hộ đồng bào có từ 0,5 ha đến gần 2 ha cây thảo quả. Huyện Vị Xuyên có trên 1.200 ha cây thảo quả. Mỗi ha cây thảo quả của bà con đã cho thu lợi, từ 30 đến 50 triệu đồng, đã tạo nguồn thu bình quân từ rừng cho mỗi hộ dân với trên 20 triệu đồng/ năm trở lên. Nhờ phát triển trồng cây thảo quả dưới tán rừng đã giúp cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng biên giới 2 huyện Quản Bạ, Vị Xuyên thoát đói nghèo bền vững và bảo vệ tốt rừng đầu nguồn.