Là một tỉnh miền núi nghèo có tới 6 huyện diện 30a đang hưởng chính sách hỗ trợ đặc biệt của Chính phủ, nhưng Hà Giang đang huy động tốt nguồn lực xã hội hóa cho công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đó không chỉ là sức dân, mà còn là sự đóng góp của các doanh nghiệp, đoàn thể. Sự tuyên dương hay khen thưởng, dù nhỏ nhưng cũng có ý nghĩa khích lệ, động viên và kích thích tinh thần tham gia của các thành phần.
Huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới Ở xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, Hà Giang, từ hơn 1 năm nay, hình ảnh người dân tự góp sức làm đường đã trở nên quen thuộc. Trong suốt những ngày làm đoạn đường đi qua nhà mình, ông Nguyễn Văn Thơm đều tham gia nhiệt tình. Ông Thơm chia sẻ: “Mình tự làm thì cũng có cái mệt của nó nhưng có cái là tuyến đường này phục vụ chủ yếu cho gia đình mình mà mình tự làm thì cẩn thận, đảm bảo bền chắc hơn. Vì mình là người sử dụng, mình làm là phục vụ cho mình.” Theo ước tính của chính quyền xã Việt Lâm, một cây số đường miền núi nếu thuê đơn vị ngoài làm có thể mất tới 800 triệu đồng, mà chất lượng công trình chưa chắc đã đảm bảo, nhưng với sức dân bỏ ra, tổng giá trị quy ra tiền mặt mất chưa tới 1/7 con số đó. Tuyến đường của ông Thơm chỉ có 8 hộ gia đình, nếu tính mỗi gia đình 2 người tham gia làm thì vẫn không đủ số lượng người yêu cầu. Thế nhưng tiến độ làm đường vẫn diễn ra suôn sẻ nhờ hình thức đổi công. Phong trào đổi công làm đường không chỉ phát triển tại các xã vùng núi thấp như ở huyện Vị Xuyên mà còn lan rộng tới các xã vùng núi cao ở huyện Hoàng Su Phì. Là một trong 6 huyện 30a của tỉnh Hà Giang, do đó sự hỗ trợ của chính quyền địa phương tại Hoàng Su Phì cũng bị hạn chế hơn so với huyện Vị Xuyên. Ở đây, ngoài xi măng là do tỉnh hỗ trợ, toàn bộ vật liệu khác từ cát, sỏi cho tới cốp pha.. đều do người dân tự đóng góp. Chưa kể người dân phải mất thêm thời gian vận chuyển cát, sỏi từ bờ sông, bờ suối về nơi làm đường. Do đó, số công cần cho 1km đường cũng lớn hơn gấp 2-3 lần. Người dân trở thành thợ xây dựng “nghiệp dư” Tuy vậy, huyện Hoàng Su Phì lại có một cách hỗ trợ khác, đúng tính chất trao cần câu chứ không trao cá, đó là mở lớp đào tạo nghề xây dựng ngay trực tiếp tại từng thôn. Ông Sìn Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Hoàng Su Phì cho biết: “Trong các nghề thì nghề này là nghề mũi nhọn bởi vì bà con ở trên này bây giờ đang thời điểm phát động phong trào xây dựng nông thôn mới cho nên mọi nhà đều xây dựng công trình phụ gia đình rồi đổ đường bê tông tới từng hộ một, cho nên chúng tôi thấy là cái nghề này sát thực nhất với bà con.” Tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm dạy nghề huyện Hoàng Su Phì đã mở gần 20 lớp học tại 11 xã trong huyện. Học viên sau khi học xong đều trở thành đội ngũ nòng cốt giúp chính gia đình mình xây dựng các công trình phổ thông như bể nước, nhà tắm, nhà vệ sinh…; và sau đó là giúp thôn, bản xây dựng các công trình công cộng như đường bê tông, nhà văn hóa, kênh mương nội đồng … giúp tiết kiệm được khoản tiền lớn thuê thợ xây dựng. Bên cạnh sức dân, Hoàng Su Phì còn kêu gọi đóng góp xây dựng nông thôn mới từ các doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể. Giá trị của sự đóng góp không cứng nhắc chỉ bằng tiền mặt mà bằng bất cứ thứ gì doanh nghiệp có thể sẻ chia như cát, sỏi, phương tiện vận chuyển, máy móc làm đường như xe tải, máy xúc, máy trộn, thậm chí là cả nhân lực làm đường. Hiện tại, Hoàng Su Phì là một trong những huyện gặt hái thành công lớn trong việc huy động nguồn lực xã hội với gần 11 tỷ đồng, trong đó có 310 triệu đồng tiền mặt. Trong câu chuyện này, có thể thấy một khi doanh nghiệp, người dân, và chính quyền địa phương cùng chung mục đích và chung lợi ích thì nguồn lực huy động được sẽ là rất lớn. Người dân tự lực, Nhà nước chỉ là giá đỡ Các câu chuyện trên chính là câu trả lời cho chủ trương trong xây dựng nông thôn mới của Hà Giang, đó là tỉnh chỉ hỗ trợ xi măng là chính, chính quyền các huyện, xã cũng như người dân phải tự tìm ra những cách đi riêng cho mình trong việc huy động nguồn lực tại chỗ dưới mọi hình thức. Ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho biết: “Đối với tỉnh Hà Giang thì phong trào xây dựng điện đường trường trạm đã có từ trước. Trong quá trình chỉ đạo ấy thì mình thấy được cái nguồn lực trong dân rất là lớn, sức dân là quan trọng. Cho nên quan điểm của tỉnh là xây dựng nông thôn mới, ngoài nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, phải khẳng định sức dân là quan trọng.” Theo số liệu thống kê mới nhất của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Hà Giang, từ chủ trương hỗ trợ 11.000 tấn xi măng của tỉnh, đến nay các địa phương đã hoàn thành gần 71 km đường bê tông, 3.600 km kênh mương, láng nền cho trên 330.000 m2 nhà, xây dựng xấp xỉ 4.000 công trình vệ sinh, di dời 844 chuồng trại ra xa nhà ở và xây dựng được 320 bể nước cho bà con. Với nhiều địa phương trên cả nước, khối lượng công trình trên không đáng là bao, nhưng với một tỉnh vốn đã nghèo lại khó như Hà Giang thì đây là cả một kỳ tích, bởi 1km đường bê tông ở đây, công sức, tiền của người dân bỏ ra phải gấp 3-5 lần ở đồng bằng. Thực ra cách làm của Hà Giang có nguồn gốc từ phong trào xây dựng Làng mới của Hàn Quốc từ những năm 70 của thế kỷ trước. Lúc này Hàn Quốc chỉ là một đất nước nghèo đói do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh những năm 50. Để thay đổi đời sống của người dân, Chính phủ Hàn Quốc đã phát động phong trào Làng mới dựa trên nguyên tắc: người dân tự mình nỗ lực, chính phủ chỉ là giá đỡ phía sau. Nhà nước hỗ trợ vật tư (xi măng, sắt thép), nhân dân đóng góp công của. Ông Đỗ Tấn Sơn, Trưởng Ban Xây dựng Nông thôn mới tỉnh Hà Giang cho biết: “Ý tưởng thì trên cơ sở chúng tôi đã đi tham quan thực tế tại Hàn Quốc. Cách triển khai nông thôn mới ở Hàn Quốc thì cũng rất cụ thể, từ người dân, đặc biệt là từ những công trình nhỏ mà phát huy sức mạnh của dân.” Những nét tương đồng trong điều kiện kinh tế - xã hội ở vạch xuất phát, cùng thành công của Hàn Quốc trong phong trào Làng mới đã khiến chính quyền tỉnh Hà Giang mạnh dạn áp dụng kinh nghiệm của nước bạn vào thực tế xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Bên cạnh đó, hiện tại nhiều huyện, xã của tỉnh Hà Giang cũng đã có biện pháp kích thích tinh thần thi đua của bà con qua cơ chế khen thưởng, mà huyện Vị Xuyên là một ví dụ. Ở đây, để khơi dậy tinh thần thi đua của người dân, chính quyền xã có cơ chế khen thưởng: thôn nào, hộ gia đình nào làm nhanh, tốt thì sẽ được tặng giấy khen và thưởng từ 200.000 – 400.000 đồng . Tuy số tiền là không lớn, nhưng lại là sự ghi nhận cần thiết để khuyến khích bà con hăng hái tham gia. Xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ những việc làm đơn giản nhất, và đóng góp xây dựng nông thôn mới cũng có thể bắt đầu từ những hình thức đơn giản nhất … Đây là cách mà Hà Giang đang tiến hành xây dựng nông thôn mới, trong đó sức dân được xác định là yếu tố then chốt, nhưng được khơi dậy chỉ bằng những cơ chế hỗ trợ rất “khiêm tốn”. |