00:00 Số lượt truy cập: 3233974

Hà Giang – hoa hồng nở trên đá 

Được đăng : 03/11/2016
Tuy vẫn còn là tỉnh nghèo, nhưng hôm nay, đến với Hà Giang, đâu đâu cũng bắt gặp những người nông dân “vắt đất ra vàng”. Ngay tại cao nguyên đá Đồng Văn, hoa hồng cũng đã nở. 5 năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói nghèo và làm giàu” đã làm “nở hoa” cả vùng đất biên cương của Tổ quốc vốn tưởng như chỉ toàn đá xám lạnh lẽo.

Từ năm 2003, cây hoa hồng Pháp đã có mặt trên cao nguyên đá Đồng Văn. Đến muộn, nhưng loài cây này lại nhanh chóng bén duyên với vùng đất tưởng chỉ toàn đá khô cằn, khắc nghiệt này. Nhờ khí hậu mát lạnh quanh năm, hoa hồng ở đây sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, cây hoa cho lá mượt, bông to, màu đẹp, mùi thơm mát dịu và lâu tàn. Vì thế, hoa hồng của Đồng Văn được thị trường trong tỉnh, ngoài tỉnh và các huyện giáp biên của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tiêu thụ mạnh. 1 ha hoa trồng thử nghiệm tại xã Phó Bảng đã cho thu nhập chừng 100 triệu đồng, cao gấp 10 lần cây ngô. Thấy hiệu quả kinh tế cao, huyện Đồng Văn đã khảo sát kỹ và nhân rộng diện tích trồng ngô trên địa bàn nhiều xã có điều kiện tự nhiên tương tự như Phó Bảng, thay thế nhiều diện tích trồng ngô, lúa năng suất thấp. Chỉ sau 4 năm, cây hoa hồng đã ăn sâu, bén rễ , góp phần tạo ra bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng tích cực ở cao nguyên Đồng Văn.

Cũng như thế, cá hồi nước ngọt vốn trước đây xa lạ với nhiều người dân xã Quyết Tiến (huyện Quản Bạ) thì nay đã có mặt ở vùng đất này. 100 con cá hồi đầu tiên lấy giống từ Sa Pa (Lào Cai) đã sinh sôi, nảy nở thành 8 ha mặt nước nuôi cá hồi, góp phần đưa xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, đồng thời mở ra tiềm năng mới về nuôi trồng thủy sản của một tỉnh vùng cao còn nhiều khó khăn.

Cây hoa, con cá và nhiều loại cây con mới lạ nhưng có giá trị kinh tế cao khác ăn sâu, bén rễ ở tỉnh biên cương Hà Giang là kết quả rõ thấy sau 5 năm Hà Giang triển khai phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói nghèo và làm giàu”. Điều đó cũng cho thấy một điều: khi tiềm năng, nội lực trong mỗi gia đình, mỗi địa phương được khơi dậy và phát huy thì bản thân họ không chỉ tự nỗ lực xoá nghèo mà còn có thể làm giàu ngay trên vùng đất đầy thử thách khắc nghiệt, ngay tại nơi mà nhiều năm trước, chính họ phải trông chờ Nhà nước cứu đói. Ở khắp các địa phương trong tỉnh, dù trong bất cứ điều kiện về tự nhiên như thế nào, từ vùng núi thấp Bắc Quang, Quang Bình, đến vùng núi phía Tây hiểm trở Xín Mần, Hoàng Su Phì, hay ngược lên vùng đá cổ Đồng Văn, Mèo Vạc cũng xuất hiện những mô hình hộ nông dân nỗ lực vượt khó vươn lên xoá nghèo, trở thành khá, giàu.

Qua 5 năm triển khai phong trào, đã có 13.545 hộ nông dân đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp, tập trung nhiều nhất là huyện Bắc Quang (chiếm tới 33% số hộ giỏi toàn tỉnh), sau đó là các huyện Vị Xuyên, Quang Bình, Quản Bạ... Con số trên có nghĩa là 11,8% tổng số hộ nông dân trong tỉnh đã thoát nghèo, có thể đã giàu có, khấm khá. Trong số đó có 58 hộ đạt danh hiệu cấp TW với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/ tháng; 531 hộcấp tỉnh, có mức thu nhập 1,5 triệu đồng/khẩu/tháng.

Những hộ nông dân SXKD giỏi ở Hà Giang đã biết khai thác tiềm năng thế mạnh đất đai, sức lao động, mạnh dạn đầu tư vốn, sử dụng lao động hợp lý, tổ chức sản xuất khoa học, biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Trong số họ, có tới 288 hộ đạt tiêu chí kinh tế trang trại, 600 hộ đang sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại. Phần lớn các trang trại đều sản xuất tổng hợp, phát triển cây, con chính như: cam, quýt, nhãn, vải, chè..., kết hợp với phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn, cá, gia cầm. Nhờ những người nông dân mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm nói trên mà cây cam, cây chè, con trâu, con bò... vốn quen thuộc trong đời sống người dân Hà Giang từ bao đời nay đã được “tôn vinh” thành loại cây, con xóa đói, giảm nghèo khi trở thành sản phẩm hàng hóa, góp phần đổi đời cho không ít người dân.

Không chỉ nỗ lực làm khởi sắc diện mạo cả vùng nông thôn rộng lớn của Hà Giang, những hộ nông dân SXKD giỏi có kinh tế khá, giàu còn rất giàu lòng nhân ái, biết hướng tới lợi ích chung của xã, huyện, của tỉnh. Họ đã tương trợ, giúp đỡ những hộ còn đói nghèo về kinh nghiệm làm ăn, giúp công lao động, vốn, giống, vật tư, sức kéo để bà con vượt khó, xóa nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, tạo thành phong trào đoàn kết giúp nhau rộng khắp trong nông dân, nông thôn, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 37,5%.

Những hộ nông dân SXKD giỏi đã và đang trở thành gương sáng trong lao động, sản xuất, là nhân tố quan trọng phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trong toàn tỉnh, tạo nên diện mạo mới cho cả vùng nông thôn rộng lớn của Hà Giang. Những đổi thay nói trên không chỉ có ý nghĩa riêng với đời sống người dân miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số Hà Giang, mà còn góp phần xây dựng một vùng biên cương của Tổ quốc vững mạnh.