Trong thời gian qua, các cấp Hội Nông dân TP Hà Nội đã tập trung đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau thực hiện mục tiêu tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo. Đây là động lực quan trọng trong việc vận động nông dân thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015".
Các cấp Hội đã vận động nông dân dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung như: trồng hoa ở Mê Linh, Từ Liêm, Tây Hồ, Đông Anh; trồng rau an toàn ở Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thanh Trì, Hoàng Mai; cây ăn quả ở Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thanh Oai; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hoà, Sơn Tây, Ba Vì...; chăn nuôi bò sữa ở Ba Vì, Gia Lâm...
Hội chủ động phối hợp với các ngành tổ chức các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật... cho nông dân. Triển khai thực hiện tốt chương trình liên kết "bốn nhà" giúp nông dân phát triển sản xuất. Hội đã phối hợp với Công ty xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Anh, công ty Supe lân photphatLâm Thao, công ty phân lân nung chảy Văn Điển giúp nông dân mua phân bón trả chậm; phối hợp với Ngân hàng NN &PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội giúp nông dân vay vốn phát triển sản xuất.
Các cấp Hội tích cực tổ chức xúc tiến thương mại giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm cho nông dân. Tham gia Hội chợ giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp các làng nghề truyền thống tại Hội chợ quốc tế AGRO Việt năm 2011. Cáchuyện, quận như: Gia Lâm, Sóc Sơn, Thanh Trì, Quốc Oai, Chương Mỹ, Hoài Đức, Long Biên, Hoàng Mai... tổ chức Hội hoa cây cảnh, Hội chợ rau an toàn. Đây là hoạt động quan trọng giúp cho các sản phẩm nông nghiệp từng bước hình thành thương hiệu, nâng cao giá trị và có mặt tại các siêu thị.
Ngoài ra, Hội còn tập trung xây dựng các mô hình như: Mô hình trồng cây phật thủ ở Hoài Đức, mô hình trồng nấm ở Sóc Sơn, Hà Đông; mô hình nuôi lợn thịt an toàn ở Thanh Oai, Ba Vì, Sơn Tây, Ứng Hòa; mô hình rau an toàn ở Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Thanh Trì... Đến nay trên toàn thành phố có 1757 mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã phối hợp chặt chẽ với ngành lao động - thương binh - xã hội tổ chức các lớp dạy nghề. 5 năm qua các cấp Hội đã tổ chức được 137 lớp dạy nghề ngắn hạn (3 tháng/lớp) cho 4.490 lượt người; các quận, huyện, thị xã đã phối hợp tổ chức được 1469 lớp cho 65.500 lượt người. Công tác dạy nghề là một giải pháp rất quan trọng đối với những nơi nông dân bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân có việc làm việc làm, ổn định đời sống./.