00:00 Số lượt truy cập: 3229092

Hà Nội tập trung phát triển vùng, xã chăn nuôi trọng điểm 

Được đăng : 03/11/2016
Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có 1.973 trang trại chăn nuôi ngoài khu dân cư, được phát triển theo quy hoạch vùng, xã trọng điểm. Ðó cũng là một nét riêng của ngành chăn nuôi Thủ đô, là lời giải hay cho "bài toán" vừa thúc đẩy chăn nuôi vừa giảm ô nhiễm môi trường mà Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội hướng tới. 

 

Chăm sóc bò sữa ở Ba Vì (Hà Nội).  

Phát triển bò sữa, bò thịt

Năm 2001, khi có Quyết định 167/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển chăn nuôi bò sữa, ngành chăn nuôi bò sữa mới bắt đầu được quan tâm chú trọng tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, thời điểm đó người dân chưa có kinh nghiệm, điều kiện thời tiết khí hậu ở Việt Nam là vùng nhiệt đới, nên việc đưa bò sữa vào phát triển sẽ rất khó khăn, nhất là đối với các tỉnh miền bắc. Thực hiện chủ trương phát triển chăn nuôi bò sữa, qua khảo sát, nghiên cứu trung tâm đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố  tập trung phát triển ở một số vùng có điều kiện thuận lợi về diện tích đất đai, điều kiện về kinh tế - xã hội và tập quán sản xuất phù hợp ở một số huyện như Ba Vì, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ðan Phượng, Mỹ Ðức. Cái khó nhất là người dân chưa có kinh nghiệm, vốn và kỹ thuật. Bước đầu trung tâm thực hiện là đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu về bò sữa, tập huấn và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, thu hút doanh nghiệp đầu tư cho vay vốn và tuyên truyền để người dân đi vào chăn nuôi bò sữa. Cuối năm 2001, đàn bò sữa của Hà Nội khởi điểm với hơn 3.000 con, năng suất sữa bình quân 3.400 kg/chu kỳ. Giai đoạn 2004 - 2006 đàn bò sữa phát triển nhanh, mạnh song thật sự chưa có tính bền vững. Với hơn 6.000 con nhưng việc tiêu thụ sữa tại thời điểm lại hạn chế do nhà máy, công ty chế biến sữa còn ít, thị trường tiêu dùng sữa chưa phát triển nên người chăn nuôi sản xuất ra sữa không có nơi tiêu thụ ổn định. Mặt khác do phát triển chăn nuôi bò sữa theo phong trào, chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán khắp mọi nơi, người chăn nuôi chưa đủ kinh nghiệm, trình độ chăn nuôi và điều kiện về kinh tế dẫn đến nhiều hộ gia đình đã rơi vào cảnh lao đao về bò sữa.

Nhận thức rõ việc phát triển chăn nuôi bò sữa phải có lộ trình, chiến lược đúng và phải phát huy sức mạnh tổng hợp mới đến thắng lợi, trung tâm đã triển khai đồng bộ các giải pháp: xây dựng các trạm thu gom sữa (nay là trạm phát triển chăn nuôi các huyện, thị xã), liên kết doanh nghiệp chế biến sữa và phát triển thị trường tiêu thụ sữa thông qua tuyên truyền và phát động chương trình "Sữa học đường". Bên cạnh đó là đào tạo nhân lực, xác định vùng chăn nuôi. Thực hiện việc đào tạo nghề chăn nuôi bò sữa cho nông dân, cải thiện điều kiện cho người chăn nuôi về con giống, chuồng trại thức ăn dinh dưỡng, vệ sinh thú y. Ðến nay, chăn nuôi bò sữa Hà Nội đã được khởi sắc, bảo đảm tính hiệu quả bền vững đó là xây dựng được vùng, xã trọng điểm về chăn nuôi bò sữa. Cuối năm 2011, tổng đàn bò sữa toàn thành phố đã lên tới 9.899 con, tăng 1.429 con (16,4%) so với cùng kỳ năm 2010. Sản lượng sữa bò tươi đạt 87,8 tấn/ngày, tăng 49,3% so với năm 2010, năng suất sữa đạt 4.400 kg/chu kỳ. Chất lượng đàn bò sữa được cải thiện rõ nét mang lại hiệu quả kinh tế cao với cơ cấu giống bò thuần chủng (10%), HFF3 (62%), HFF2 (18%), HFF1 (10%). Với vai trò cầu nối để các doanh nghiệp thu mua hết sữa cho người chăn nuôi, trung tâm đã phối hợp các doanh nghiệp chế biến sữa gây dựng 60 điểm thu mua sữa của tám nhà máy chế biến các sản phẩm từ sữa thuộc bảy công ty gồm: Công ty Cổ phần sữa Quốc tế (IDP), Cổ phần sữa Ba Vì, Anco, Bánh sữa Ba Vì, Phonuimilk, Hanoimilk, Vinamilk. Với giá sữa hiện nay là 11.400 đồng/kg (tăng 2.800 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2010), người dân đã và đang yên tâm, mạnh dạn đầu tư cho chăn nuôi bò sữa. Ðây cũng là cơ sở hình thành nên tám xã chăn nuôi trọng điểm như Yên Bài, Vân Hòa, Tản Lĩnh, (huyện Ba Vì), Trung Mầu, Dương Hà, Phù Ðổng (Gia Lâm) Phượng Cách (Quốc Oai) và Vĩnh Ngọc (Ðông Anh) với tổng đàn bò sữa là 7.645 con, cung ứng 80% lượng sữa toàn thành phố. Xã Vân Hòa là một trong những xã điển hình có tốc độ phát triển nhanh. Nếu như năm 2008 toàn xã có hơn 300 con, thì đến cuối tháng 11-2011 đã lên tới 1.720 con, góp phần đưa tỷ trọng chăn nuôi lên 60% trong cơ cấu nông nghiệp của xã.

Cùng với bò sữa trung tâm đưa ra giải pháp  đẩy nhanh công tác cải tiến giống và xây dựng mô hình điểm về chăn nuôi bò thịt. Hai giống bò thịt nhập ngoại là Brahman, Droughtmaster đưa vào thực tế sản xuất đến nay đạt kết quả cao (hơn 20%), tỷ lệ bò cóc, bò vàng, giảm đáng kể. Nổi bật là các giống bò mới đưa vào lai tạo, tạo ra thế hệ con lai nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, khỏe mạnh, nhanh lớn, ít bệnh tật. Bê sơ sinh có trọng lượng bình quân từ 25 đến 27 kg (giống bò lai sind đạt 18 đến 20 kg), nuôi đến 18 tháng tuổi đã có trọng lượng hơi hơn 350 kg. Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Quấn (xã Mỹ Tiên, huyện Mỹ Ðức) cho biết:  "Nuôi bê lai Droughtmaster, sau một năm gia đình ông bán giống được 15 triệu đồng trong khi những nhà khác nuôi bò lai sind chỉ bán được 8 đến 10 triệu đồng". Toàn thành phố hiện có 56 trang trại chăn nuôi bò thịt ngoài khu dân cư với 971 con bò thịt, bò sinh sản. Thành phố đã quy hoạch 19 xã trọng điểm phát triển chăn nuôi bò thịt. Trong đó hai xã điển hình về chăn nuôi bò thịt là xã Minh Châu (huyện Ba Vì) phát triển chăn nuôi bò giống và xã Văn Ðức (Gia Lâm) chuyên về vỗ béo bò thịt. Những năm qua, trung tâm tập trung hướng dẫn, đào tạo cho người chăn nuôi về các quy trình vỗ béo ở bò thịt mà cụ thể là các quy trình vỗ béo hai giống bò mới (Droughtmaster, Brahman) được áp dụng có hiệu quả nhờ vậy mà người dân đã làm giàu từ việc nuôi vỗ béo bò thịt, nhiều hộ có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Phát triển vùng chăn nuôi lợn, gia cầm tập trung

Từng bước hiện đại hóa ngành chăn nuôi Hà Nội theo hướng chăn nuôi công nghiệp tập trung, quy mô lớn, với công nghệ hiện đại, đa dạng sản phẩm trong chăn nuôi; giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây ra, trung tâm hướng đến các trang trại các khu chăn nuôi tập trung để giúp các hộ chăn nuôi đi đúng hướng phát triển theo vùng chăn nuôi tập trung. Ðến nay, có 722 trang trại chăn nuôi lợn ngoài khu dân cư với gần 285 nghìn con (chiếm 18,5% tổng đàn lợn của Hà Nội), 1.153 trang trại chăn nuôi gia cầm với tổng đàn 4.630.469 con, chiếm 25% tổng đàn gia cầm toàn thành phố. Trong chăn nuôi lợn và gia cầm tại các trang trại quy mô lớn, trung tâm đã hướng cho các chủ hộ đưa công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Hàng trăm hộ chăn nuôi quy mô lớn đến nay đã chuyển từ chăn nuôi chuồng hở thành chuồng nuôi kín công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất chăn nuôi.

Có thể nói, nhờ phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, nhiều người dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Năm 2011, trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp thành phố, chăn nuôi đã chiếm tỷ trọng 47,5%, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động ở nông thôn và  giảm ô nhiễm môi trường.

Nói về định hướng phát triển ngành chăn nuôi thành phố, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường khẳng định: "Chúng tôi sẽ nỗ lực phát triển chăn nuôi mang đậm nét riêng của Thủ đô, hướng mạnh vào cải tiến công nghệ, thực hiện chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, chăn nuôi theo quy mô lớn ngoài khu dân cư, đồng thời xây dựng liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm, liên kết hợp tác với doanh nghiệp và hợp tác phát triển chăn nuôi với các tỉnh bạn nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô, góp phần bình ổn giá thị trường thực phẩm.