Hà Tây: Thủy Xuân Tiên năng động chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Được đăng : 03/11/2016
Xã Thủy Xuân Tiên (Chương Mỹ) có địa giới hành chính rộng, dân số đông, song làm nông nghiệp vẫn là chính của nhân dân. Trong những năm gần đây, Đảng ủy, chính quyền xã Thủy Xuân Tiên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo HTX và nông dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế tạo ra bước chuyển biến đáng kể từ các mô hình nuôi trồng thủy sản và vườn trại, từng bước nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị canh tác.
Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 707,6ha, trước những năm 2005, đồng đất ở xã Thủy Xuân Tiên manh mún, chỗ cao, chỗ trũng, bình quân mỗi hộ có từ 10 ô thửa trở lên, điều kiện canh tác gặp nhiều khó khăn, bà con nông dân một nắng hai sương với đồng ruộng nhưng hiệu quả sản xuất nông nghiệp vẫn thấp. Trăn trở với nỗi vất vả của bà con nông dân, lãnh đạo xã Thủy Xuân Tiên đã đến tham quan các địa phương điển hình trong, ngoài huyện có phong trào chuyển dịch cơ cấu kinh tế để học tập. Năm 2006, chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung mạnh vào chuyển đổi cơ cấu CT, VN được đưa vào Nghị quyết Đảng ủy, nhằm khuyến khích nông dân trong xã hăng hái làm một cuộc cách mạng nông nghiệp. Song để công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi (CT, VN) phù hợp với điều kiện của địa phương và cho năng suất, hiệu quả cao, xã Thủy Xuân Tiên đã chỉ đạo HTX NN phân vùng chuyển đổi. Trong tổng diện tích 707,6ha đất sản xuất nông nghiệp có 62,99ha đất trũng phù hợp với mô hình nuôi trồng thủy sản; trên 20ha đồi gò thích hợp với loại hình vườn trại. Sau khi mời một số chuyên gia trong các lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và vườn trại của tỉnh về khảo sát, tư vấn, xã Thủy Xuân Tiên đã xây dựng đề án chuyển đổi cơ cấu CT, VN. Khu vực nuôi trồng thủy sản (lúa + cá + vịt) 46,2ha, tập trung ở những vùng đất trũng như: Tiến Ân, Gò Cáo, Chí Thủy, Tân Trượng. Đến nay, đã có 10 hộ tham gia mô hình nuôi trồng thủy sản với gần 20ha/46,2ha, các mô hình có diện tích từ 1ha đến 2ha và đầu tư cơ sở hạ tầng khoảng 100 triệu đồng trở lên/1 mô hình. Qua 2 năm triển khai thực hiện, được sự giúp đỡ về kỹ thuật của Chi Cục Thủy sản các mô hình nuôi trồng thủy sản đã thu được những kết quả cao, so với trồng lúa (gấp 3-5 lần).
Điển hình cho các hộ nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao ở xã Thủy Xuân Tiên là: Nguyễn Văn Vân, Nguyễn Đình Tài, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Viết Đệ, Nguyễn Quốc Mạnh. Riêng hộ anh Nguyễn Quốc Mạnh thầu 2ha năm 2006 tổng doanh thu đạt khoảng 500 triệu đồng. Diện tích đồi gò có trên 20ha thuộc thôn Xuân Linh, Xuân Sen, trước đây có 82 hộ làm vườn trại, chủ yếu là trồng ăn quả (nhãn, vải), "đầu ra" khó khăn, UBND xã Thủy Xuân Tiên quy hoạch chuyển đổi được 15,97ha cho 12 hộ thực hiện mô hình vườn trại (trồng bưởi Diễn, cam Canh, nuôi gà đẻ trứng). Đi đầu trong lĩnh vực đầu tư kinh phí thực hiện chuyển đổi cơ cấu CT, VN vùng đồi gò ở xã Thủy Xuân Tiên là đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Bí thư Đảng ủy, với 1ha đồi gò xa khu dân cư, đã đầu tư trên 100 triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại, chuyên chăn nuôi gà đẻ trứng, trong chuồng thường xuyên có hơn 1 vạn gà đẻ, mỗi năm cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Bên cạnh đó là các mô hình cam Canh, bưởi Diễn ở vùng đồi gò Thủy Xuân Tiên cũng cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng/ha/năm, tiêu biểu là các mô hình của hộ gia đình anh: Nguyễn Bá Duân, Nguyễn Trung Vị, Nguyễn Trung Khởi, Nguyễn Huy Thuẩn... Đặc biệt, năm 2007 Tỉnh đoàn Thanh niên và Huyện đoàn Chương Mỹ đã có chương trình hỗ trợ 100% cây bưởi Diễn giống triển khai trồng trên diện tích 5ha (vùng đồi gò quy hoạch chuyển đổi) tại thôn Xuân Linh, xã Thủy Xuân Tiên, là nguồn động lực thúc đẩy nhân dân tích cực tham gia trồng bưởi Diễn làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương. Từ những mô hình nuôi trồng thủy sản và vườn trại đó đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động của địa phương có mức thu nhập từ 800 nghìn đồng/tháng trở lên.
Song song với việc đẩy mạnh chuyển đổi, người dân xã Thủy Xuân Tiên cũng rất quan tâm đến các lĩnh vực phát triển kinh tế khác. Tận dụng lợi thế nằm ven đường Hồ Chí Minh (chiều dài khoảng 2km), các hộ dân Thủy Xuân Tiên đã tham gia tích cực vào các hoạt động dịch vụ và thương mại. Năm 2007, tổng nguồn thu từ dịch vụ và thương mại đạt 21 tỷ đồng, chiếm 32,9% tổng thu nhập. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở xã Thủy Xuân Tiên bước đầu phát triển, trong xã có 2 đơn vị sản xuất lớn là Nhà máy Bê tông Xuân Mai, Công ty cổ phần Đá ốp lát và xây dựng, giải quyết cho khoảng 200 lao động địa phương. Ngoài ra, Thủy Xuân Tiên còn có xóm Cầu Tiến và làng Tiến Ân có nghề sản xuất mây giang đan nên thu nhập từ công nghiệp, TTCN năm qua đạt 24,5 tỷ đồng, chiếm 38,5%.
Về Thủy Xuân Tiên hôm nay, ngắm nhìn những mô hình nuôi trồng thủy sản và vườn trại cam Canh, bưởi Diễn xanh tươi đang vào độ nở hoa hẳn ai cũng phấn khởi trước sự đổi thay ở nơi đây. Đó cũng chính là thành quả của sự năng động chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu CT, VN vùng đất trũng và vùng đồi gò của tập thể lãnh đạo xã cùng bà con nhân dân Thủy Xuân Tiên đã đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ngày một giàu đẹp hơn. Nhờ vậy, năm 2007, xã Thủy Xuân Tiên có 83 hộ thoát nghèo và số hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 8,4%.