00:00 Số lượt truy cập: 3228802

Hà Tĩnh: Thắng đậm những mùa tôm 

Được đăng : 03/11/2016

Mấy năm gần đây, doanh nghiệp và người nuôi tôm ở khu vực Bắc Trung Bộ luôn thất bại thảm hại do dịch bệnh khiến tôm chết hàng loạt. Thế nhưng, ở Hà Tĩnh, nghề nuôi tôm lại phất lên như diều gặp gió, nhờ thực hiện mô hình nuôi tôm trên ao đất lót bạt.


Từ nuôi tôm trên cát

Chúng tôi cùng ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản đi thực tế dọc bờ biển Hà Tĩnh với chiều dài hơn 100km từ Đèo Ngang, huyện Kỳ Anh qua Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Lộc Hà ra tới Nghi Xuân. Đi đến đâu cũng bắt gặp những mô hình nuôi tôm trên cát. Ông Hồ Quang Dũng, hộ nuôi tôm ở xã Xuân Phổ (Nghi Xuân) phấn khởi nói: "Đây là năm thứ hai gia đình tôi nuôi tôm trên ao cát lót bạt. Sau 2 năm nuôi tôm bằng công nghệ này, tôi có thể khẳng định, đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, bởi năng suất bình quân luôn đạt 15-17 tấn/ha/vụ; doanh thu 3-4 tỷ đồng/ha. Mỗi năm tôi nuôi 3 vụ trên tổng diện tích 3ha cho thu nhập trên dưới 10 tỷ đồng/năm, trừ chi phí, lãi ròng hơn 4 tỷ đồng/năm".

Rời Nghi Xuân, chúng tôi trở lại Thạch Hà, nơi vẫn còn dư âm về thất bại thảm hại của Công ty nuôi tôm Việt Mỹ. Chị Nguyễn Thị Hạnh ở TP.Hà Tĩnh, người mạnh dạn bỏ phố xuống biển để đầu tư nuôi tôm trên diện tích 20ha, vùng đất tiếp nhận lại từ Công ty Việt Mỹ tâm sự, 3 năm lần mò vay mượn để thực hiện nghề nuôi tôm trên cát, nhờ sự quan tâm của tỉnh, huyện và địa phương, sự hướng dẫn của các nhà khoa học nên năng suất tôm của gia đình chị đạt 15 tấn/ha/vụ, tổng doanh thu bình quân 35 - 40 tỷ đồng/2 vụ/năm, trừ chi phí, lãi ròng 10-15 tỷ đồng/năm.

Đến nuôi tôm trên ao đất lót bạt

Thành công của mô hình nuôi tôm trên cát lót bạt đã tạo tiền đề cho mô hình nuôi tôm trên ao đất lót bạt (ao đất vỗ bờ và đáy ao bằng xi-măng) thực hiện thành công. Theo ông Hoàng, mô hình này tuy năng suất không cao bằng nuôi tôm trên ao cát lót bạt nhưng lại tận dụng được quỹ đất hẹp ở vùng ven bãi triều; quy trình nuôi được thực hiện nghiêm ngặt, ao nuôi tôm lót bạt cả đáy và bờ bên, có ao chứa lắng nên hạn chế được lượng nước thất thoát gây ô nhiễm môi trường, giảm thiểu tối đa việc phát sinh và lây lan dịch bệnh trên tôm.

Về xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Trọng Mại, hộ nuôi tôm nổi tiếng trong vùng đúng lúc ông đang chỉ đạo công nhân thu hoạch vụ tôm đại thắng. Ông Mại cho biết: "Sau 2 năm đầu tư nuôi tôm theo mô hình ao đất lót bạt, tôi thấy đây là mô hình dễ làm, hiệu quả kinh tế cao". Được biết, ông Mại thuê 10ha nuôi tôm theo hình thức cuốn chiếu, bình quân năng suất đạt 7 tấn/ha/vụ, mỗi năm gia đình ông thả 2 vụ, theo giá hiện tại (100.000 đồng/kg), tổng thu nhập đạt trên dưới 15 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi ròng trên 5 tỷ đồng/năm.

Đánh giá về mô hình này, ông Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh cho rằng: "Hà Tĩnh đang tích cực mở rộng diện tích áp dụng mô hình nuôi tôm trên ao đất lót bạt, bởi đây là công nghệ nuôi mới, phù hợp với điều kiện thời tiết, đất đai ở cả vùng đất cát và vùng ven bãi triều; cho năng suất vượt trội; giảm thiểu được rủi ro trong sản xuất, tăng năng suất trên một đơn vị diện tích; đồng thời, giải quyết việc làm cho một số lượng lớn lao động. Nếu Hà Tĩnh chuyển đổi được một nửa số diện tích nói trên nuôi trồng theo mô hình này thì vài năm tới sản lượng tôm thu hoạnh sẽ đạt 15.000 - 20.000 tấn/năm.

Để mô hình nuôi tôm trên ao đất lót bạt phát triển bền vững, tỉnh Hà Tĩnh cần tạo điều kiện hỗ trợ quy hoạch chi tiết các vùng nuôi tôm tập trung; huy động từ các chương trình dự án đầu tư, nâng cấp hệ thống điện, kênh mương cấp thoát nước chính, bờ bao, đường giao thông... tại các vùng nuôi đang gặp khó khăn; tạo điều kiện hỗ trợ kỹ thuật, nguồn vốn vay cho bà con giúp họ có điều kiện phát triển nghề nuôi tôm bền vững.