00:00 Số lượt truy cập: 2692030

Hải Dương: Hiệu quả từ mô hình HTX dịch vụ chăn nuôi nuôi trồng thủy sản 

Được đăng : 03/11/2016
Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp luôn gắn liền với nhu cầu thị trường, việc lựa chọn con giống, cây trồng thích hơp, mang lại hiệu quả cao luôn được bà con nông dân quan tâm. Vì thế, nhiều mô hình trang trại chăn nuôi gà, vịt, lợn...được thành lập.

Nhận thức rõ việc chăn nuôi đơn lẻ còn gặp khó khăn do yếu tố thời tiết, dịch bệnh, thị trường, thức ăn... nên đã có nhiều mô hình Hợp tác xã chăn nuôi gia súc, gia cầm liên kết các hộ gia đình chăn nuôi đơn lẻ được thành lập tại các địa phương trong tỉnh Hải Dương. Hợp tác xã dịch vụ Chăn nuôi nuôi trồng thủy sản xã Thái Tân, xã Thái Tân, huyện Nam Sách là một trong những HTX hoạt động có hiệu quả trong tỉnh.

HTX dịch vụ chăn nuôi nuôi trồng thủy sản Thái Tân được thành lập năm 2006, có 17 hộ thành viên tham gia, với mục đích liên kết các hộ gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản trong toàn xã để tương trợ lẫn nhau trong việc ứng dụng công nghệ chăn nuôi công nghiệp tập trung, chuyển giao kỹ thuật; đối phó dịch bệnh và tìm thị trường tiêu thụ. HTX hoạt động với phương châm: Hỗ trợ lẫn nhau về kinh nghiệm chăn nuôi, cung ứng con giống, thức ăn, thuốc thú y và hướng dẫn, giám sát quy trình, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản và đầu tiêu thụ cho sản phẩm.

Được sự quan tâm, của cấp ủy, chính quyền xã, hoạt động của mô hình HTX chăn nuôi nuôi trồng thủy sản hoạt động ngày càng có hiệu quả, các thành viên trong HTX nuôi lợn, gà, vịt, cá...đều cho thu nhập cao. Ông Trần Hữu Hoa, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Thái Tân cho biết: gia đình ông nuôi 100 con lợn thịt, 10 con lợn nái, ngoài ra gia đình ông còn nuôi gà, vịt, cá, cấy lúa, rau màu, hàng năm thu nhập trên 50 triệu đồng.

Nhận thấy mô hình HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Thái Tân hoạt động có hiệu qủa. Năm 2010, Trung tâm Khoa học công nghệ thuộc Liên Minh Hợp tác xã Việt Nam hỗ trợ cho Hợp tác xã giàn máy chế biến thức ăn 55 triệu, đầu tư hơn 1 tỷ cho việc xây dựng xưởng chế biến thức ăn và cử cán bộ chuyên môn về tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi cho HTX. Vì vậy, 17 hộ tham gia HTX đã giảm chi phí mua thức ăn, vật tư chăn nuôi, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi.

Để hoạt động của HTX đạt hiệu quả cao, các thành viên HTX chăn nuôi nuôi trồng thủy sản đều đặn sinh hoạt truyền đạt kinh nghiệm kỹ thuật chăm sóc con giống, thức ăn công nghiệp, thuốc thú y và đối phó dịch bệnh. Hàng năm HTX quy định họp 2 lần vào 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm để nhận xét, đánh giá, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và rút kinh nghiệm trong các thành viên.

Từ khi thành lập đến nay, mỗi thành viên tham gia HTX đóng góp 4.000.000 đồng để hoạt động, hiện tại nguồn quỹ của Hợp tác xã có 68.000.000 để giúp đỡ nhiều hộ được vay vốn chăn nuôi gia súc, gia cầm với lãi suất ưu đãi và nhờ nguồn quỹ đó, Hợp tác xã đã cử người đi học các lớp chuyển giao kỹ thuật về truyền đạt cho các xã viên, việc phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản luôn được HTX quan tâm.

Ông Hoàng Viết Luyến – một thành viên của HTX nhận xét: gia đình ông từ khi tham gia vào hợp tác xã kinh tế gia đình chuyển biến rõ rệt, thu nhập cao, hiện nay gia đình ông tập trung nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là cá như: cá rô phi, cá diêu hồng, cá chép. Nuôi cá rô phi với diện tích 14.000 m2, gia đình ông tận dụng nguồn nước sông xây dựng lưới thép để nuôi cá lồng nuôi cá diêu hồng, cá chép. Ông cho biết, hàng năm ông bán 10 tấn cá rô phi, với giá 41.000 đồng/kg, trừ chi phí, cho thu lãi khoảng trên dưới 200 triệu đồng. Năm nay, dự tính ông thu 15 tấn cá rô phi, 150 tấn cá diêu hồng và cá chép. Ngoài ra, ông còn nuôi 10 con lợn nái, 20 con lợn thịt, 200 con gà.

Hiện tại, HTX có 17 hộ xã viên tham gia mô hình chăn nuôi liên kết với trên 300 đầu lợn thịt, khoảng 50 lợn nái trên 10.000 con gia cầm và nuôi trồng thủy sản. Cung cấp cho thị trường trong xã, huyện và tỉnh và các tỉnh ngoài như: Quảng Ninh, Hải Phòng....cứ mỗi năm mỗi thành viên cho thu lãi từ 50 đến 200 triệu đồng. Việc thực hiện mô hình HTX liên gia đã nâng cao thu nhập cho nông dân, giúp người nông dân tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, số lượng nhiều, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay, HTX còn gặp nhiều khó khăn, việc tiêu thụ sản phẩm của HTX vẫn theo phương châm "tự sản tự tiêu". HTX chưa có đất để quy hoạch sản xuất tập trung, xã viên vẫn phát triển chăn nuôi theo mô hình hộ cá thể, HTX chưa có điều kiện để tập trung nuôi một hoặc vài loại vật nuôi với quy mô lớn, nên việc phát triển kinh tế theo hướng kinh tế hàng hóa quy mô lớn vẫn còn gặp khó khăn. Ngoài ra, việc chăn nuôi nuôi trồng thủy sản trong Hợp tác xã vẫn còn gặp nhiều rủi ro về dịch bệnh, do yếu tố môi trường, thời tiết và thiếu áp dụng khoa học kỹ thuật. Các thành viên trong Hợp tác xã hy vọng chính quyền xã, ngành nông nghiệp huyện và tỉnh quan tâm và tạo điều kiện giúp đỡ việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, nguồn vốn và thị trường tiêu thụ sản phẩm để hoạt động của HTX ngày càng có hiệu quả hơn.